Sau đám cưới xa hoa của cặp đôi Rushang Shah và Kaabia Grewal vừa qua, có 6 cặp đôi quý tộc Ấn Độ khác dự kiến tổ chức tại Việt Nam, theo thông tin của ban tổ chức.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam, mà cụ thể là đảo Phú Quốc ghi tên mình vào bản đồ địa điểm tổ chức tiệc cưới của giới nhà giàu Ấn Độ, vốn trước nay chỉ biết đến những địa danh như Phukhet, Bali, UAE…
Bên cạnh quảng bá cho du lịch đất nước, một số lợi ích kinh tế khác đã được ghi nhận mà như Đại sứ Phạm Sanh Châu, người thuyết phục thành công cặp đôi tỷ phú tổ chức tại Việt Nam, thì đã có một số hợp đồng được ký kết từ những người bạn đến dự hôn lễ.
"Đa số khách mời của cô dâu chú rể là những người siêu giàu. Họ đã thảo luận về dệt may, đầu tư, khách sạn", ông Châu nói trên báo chí.
Đây cũng không phải là tin vui đầu tiên của ngành du lịch trong những tháng đầu năm. Tờ Nikkei hôm 4/3 cho biết tại bảng xếp hạng các điểm đến năm 2018 của Airbnb, Đà Nẵng đứng thứ 5 toàn cầu và số 1 Đông Nam Á.
Những kết quả khả quan về du lịch là không phủ nhận. Nhưng từ những câu chuyện thành công này, lại đặt ngược lại cho Việt Nam những vấn đề cần phải quan tâm.
Ví dụ như với chính sách visa, được xem là điểm nghẽn về du lịch trong nhiều năm nay. Đại sứ Phạm Sanh Châu khi giải thích với báo chí nguyên nhân Phú Quốc được chọn trong số các địa danh khác của Việt Nam là vì có chính sách miễn thị thực 30 ngày.
Ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh nhận định: Việt Nam đang là một trong những quốc gia có chương trình miễn thị thực thấp nhất ở Đông Nam Á với 24 quốc gia được miễn. Trong khi đó, tại Thái Lan, con số này gấp 5 lần, đạt 120.
Do vậy, ông John cho rằng Việt Nam cần tự do hóa chế độ visa cho khách du lịch. Tại nhiều quốc gia, chính sách visa nới lỏng giúp thúc đẩy tăng trưởng lượng khách. Cụ thể, từ khi chính sách miễn visa của Indonesia mở rộng từ 45 đến trên 160 quốc gia trong năm 2015, tổng lượt khách đến quốc gia này đã tăng 50%.
Hay như tại Ấn Độ, 2 năm sau khi nước này mở rộng visa du khách điện tử cho hơn 100 quốc gia, tăng trưởng lượt đến so với cùng kỳ năm trước lên gấp 3 lần. Đặc biệt, ở Nhật Bản, giai đoạn 2013-2018 sau khi xứ sở hoa anh đào nới lỏng chính sách visa, tổng lượt khách đến đã tăng 22 triệu.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần có những quy định linh hoạt hơn nhằm đáp ứng với những yêu cầu khác lạ của những đại gia có tiền, như việc bắn pháo hoa. Tại tiệc cưới của cặp đôi tỷ phú Ấn Độ vừa qua, đây là yêu cầu khách đặt ra nhưng chính quyền không đáp ứng được.
Việt Nam được nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế dành nhiều lời khen tặng, ví dụ Tony Fernandes, CEO của AirAsia. Ông cho rằng thế mạnh nổi trội của đất nước hình chữ S là sự mới lạ, đẹp đẽ. Theo ông, Việt Nam có cơ hội để vươn lên trên bản đồ du lịch quốc tế tuy nhiên, để làm được điều này, du lịch Việt Nam phải tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho khách và cần một thông điệp mạnh mẽ hơn nữa.
Do vậy, những câu chuyện tích cực trong những ngày qua có thể làm tiền đề để du lịch Việt Nam năm 2019 và các năm tiếp theo tiến xa hơn. Quan trọng là, ngành du lịch có biết nắm lấy và có sự chuyển mình hay không.