Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, công văn số 3053/BGTVT-VP của Bộ Giao thông vận tải về phòng chống dịch Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra.
Theo đó, các phòng tham mưu, cơ quan, đơn vị quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Cục Hàng hải ứng phó với dịch Covid-19 lan rộng ra sao?
Bên cạnh đó, mở rộng làm việc trực tuyến, bố trí cho công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến.
Đối với văn phòng Cục và các tổ chức tham mưu tạo các nhóm làm việc trên các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận tiện triển khai các nhiệm vụ. Tùy thuộc vào yêu cầu, tính cấp thiết của nhiệm vụ được giao, Trưởng các phòng tham mưu bố trí nhân lực tối thiểu, giảm tối đa thời gian làm việc tại cơ quan để xử lý công việc, tránh ách tắc.
Đối với các Cảng vụ Hàng hải, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải bố trí nhân lực tối thiểu làm việc tại cơ quan, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và thông tin liên lạc thông suốt.
Đặc biệt, các Cảng vụ Hàng hải có quản lý tuyến bờ ra đảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương để đảm bảo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách trên các tuyến này. Lùi thời hạn kiểm tra thực tế các tàu; Bố trí nhân lực phù hợp trực hệ thống VTS; Có kế hoạch hợp lý trong việc xử lý các tai nạn hàng hải (nếu có). Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành trong việc triển khai phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các công ty hoa tiêu, các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam, Vishipel và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương để đảm bảo cung ứng các dịch vụ thiết yếu theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, bố trí nhân lực trực tìm kiếm cứu nạn tại cơ quan, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Bố trí tối thiểu thuyền viên tại các tàu trực tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các thuyền viên khi có yêu cầu nhiệm vụ. Trung tâm thông tin an ninh hàng hải bố trí nhân lực tối thiểu để trực ca tiếp nhận truyền phát thông tin an ninh hàng hải, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.