Liên quan đến các sự cố hàng không gần đây của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air), ngày 27/12, Bộ Giao thông Vận tải đã có cuộc họp với đầy đủ các bên liên quan.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra sự cố của máy bay Vietjet tại cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
"Sau khi giải mã hộp đen, khám nghiệm hiện trường, làm việc với các bên có liên quan, cơ bản có thể khẳng định quá trình cất cánh, bay bằng và tiếp cận không có vấn đề gì. Vấn đề chỉ nằm ở khâu tiếp đất, cụ thể là bánh mũi tiếp đất trước, trong khi máy bay không thiết kế để bánh mũi chịu lực", ông Đinh Việt Thắng cho biết đồng thời thông tin thêm, lỗi trong sự cố này cơ bản thuộc về tổ lái trong quá trình tiếp đất.
Hiện máy bay này vẫn đang ở Buôn Ma Thuột. Việc sửa chữa sẽ hoàn tất sau khoảng 5 - 6 tháng.
Đối với sự cố liên quan đến chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi Tp.HCM tối muộn 24/12/2018, ông Thắng cho biết, sau khi cất cánh được khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan) để kiểm tra do phát hiện cảnh báo kỹ thuật cháy hầm hàng.
Tổ bay đã thực hiện đúng quy trình, kích hoạt hệ thống dập lửa và xin hạ cánh khẩn cấp. Sau khi hạ cánh, phát hiện đấy là cảnh báo giả nên máy bay tiếp tục hành trình về Tp.HCM.
Với sự cố hạ cánh nhầm tại Cam Ranh, ông Thắng cho hay, khi máy bay cất cánh, phát hiện cảnh báo hệ thống dầu thuỷ lực giảm, tổ bay xin quay lại để kiểm tra. Sự cố này là do nhận định của tổ lái về sự cố không chính xác nhưng trong quá trình hạ cánh, tổ bay cũng không tham vấn mặt đất để cùng đánh giá tình huống.
Về sự cố xảy ra với chuyến bay VJ513 dự kiến khởi hành từ Hà Nội đi Đà Nẵng hôm qua (26/12), tổ lái quyết định tạm dừng chuyến bay để kiểm tra khi máy bay bắt đầu chạy đà, màn hình xuất hiện cảnh cảnh báo kĩ thuật liên quan đến càng là hoàn toàn đúng đắn để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Ông Đinh Việt Thắng cho biết, tính đến 25/12, Vietjet có 63 tàu bay, tăng 11 chiếc (tương đương với 21%) so với 2017; 666 người lái (bao gồm 338 lái trưởng, 299 lái phụ và 29 phi công học viên đang học) tăng 45,7% so với cùng kỳ 2017; 750 nhân viên kỹ thuật (trong đó có 191 nhân viên kỹ thuật cao), tăng 40,7%.
Năm 2018, Vietjet thực hiện 194.968 giờ bay, tăng 34%. Tổng số chuyến bay đạt 120.768 chuyến, tăng 32%. Sản lượng hành khách đạt hơn 19,2 triệu hành khách.
"Các chỉ số của Vietjet cho thấy tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng công tác chuẩn bị nguồn lực phục vụ đều được Cục Hàng không kiểm soát chặt chẽ, từ tổ bay, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật… đều đảm bảo cơ cấu, chất lượng, số lượng theo yêu cầu", ông Đinh Việt Thắng nói.
Để đảm bảo an toàn hàng không nói chung cũng như đối với Vietjet Air, Cục trưởng Đinh Việt Thắng khẳng định, tạm thời Cục Hàng không chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với Vietjet Air để rà soát lại, đồng thời áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không này.
"Cục Hàng không Việt Nam lập 7 đoàn công tác thực hiện kiểm tra giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không Vietjet từ 28/12/2018 đến ngày 15/1/2019”, ông Thắng cho biết.
Các đoàn công tác này sẽ tập trung kiểm tra tàu bay tại sân, kiểm tra trên chuyến bay; kiểm tra công tác chuẩn bị chuyến bay, lập kế hoạch bay, công tác phục vụ mặt đất, công tác đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khai thác bảo dưỡng tàu bay; kiểm tra công tác đảm bảo vật tư, khí tài; việc tổ chức và thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; kiểm tra công tác huấn luyện người lái tàu bay và kiểm tra an toàn khai thác trên chuyến bay.
“Sau ngày 15/1, nếu Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không Việt Nam sẽ sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2", ông Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã giao Phòng Vận tải hàng không nghiên cứu phương án vận chuyển hành khách dự phòng trong trường hợp Vietjet không được tăng chuyến trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam sau khi tạm đình chỉ vị trí phụ trách khai thác của Vietjet đã tạm thời chấp thuận ông Mark Phillips phụ trách vị trí này cho tới khi có kết luận chính thức của Cục Hàng không Việt Nam đối với sự cố ngày 25/12/2018.
Trong khi đó, đại diện Vietjet đã khẳng định, hãng có sự hỗ trợ trực tiếp của nhà sản xuất máy bay Airbus và động cơ Cfm để xây dựng và quản lý hệ thống an toàn- chất lượng. Bên cạnh đó là sự giám sát, thẩm định của các tổ chức giám định quốc tế của các tập đoàn bảo hiểm cũng như phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam.
Liên quan đến các sự cố của Vietjet, trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ra chỉ thị hoả tốc về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không đối với các chuyến bay của hãng. Theo đó, Vietjet Air bị giám sát đặc biệt, tạm ngừng cấp phép việc tăng chuyến trong thời gian điều tra.