Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu các hãng bảo dưỡng, bảo quản máy bay nằm sân và báo cáo nhà chức trách 48 giờ trước khi khai thác trở lại với các phi cơ dừng bay trên 1 tháng. Ngoài ra, Cục Hàng không yêu cầu các hãng xoay tua sử dụng để tránh tình trạng máy bay nằm sân không hoạt động trên 1 tháng nhằm đảm bảo an toàn bay.
Đối với máy bay bảo dưỡng, bảo quản dừng bay trên 1 tháng, các hãng phải báo cáo nhà chức trách các nội dung thực hiện trước khi đưa máy bay trở lại khai thác trong thời gian 48 giờ trước chuyến bay.
Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc hoặc các đề xuất, cần kịp thời báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết.
Hồi đầu tháng 6, theo số liệu từ Planespotters, các hãng hàng không lớn của Việt Nam đang phải cho nằm sân lượng lớn máy bay do không đủ khách để vận hành. Tỷ lệ máy bay phải tạm dừng khai thác có hãng đã vượt hơn nửa.
Trong tổng số 74 máy bay của Vietjet Air, chỉ còn 22 chiếc đang được hãng khai thác, trong khi 52 chiếc nằm sân. Ngoài ra, gần như toàn bộ đội bay mẫu A320 của hãng đều được đưa vào trạng thái niêm cất khi 17 trên 18 chiếc đang không được khai thác.
Vietnam Airlines cũng đang buộc phải cho tạm dừng bay hơn một nửa đội bay vì vắng khách. Trong 100 chiếc máy bay mà hãng đang biên chế, 53 chiếc đã nằm sân, chỉ còn 47 chiếc duy trì khai thác. Trong 29 chiếc máy bay thân rộng gồm các mẫu A350 và Boeing 787, có tới 14 chiếc đã phải tạm dừng khai thác.
Đáng chú ý, 1/3 đội bay của Bamboo Airways đang trong tình trạng niêm cất, bảo quản. Hãng biên chế 27 máy bay thì có 9 chiếc đang phải tạm dừng khai thác, trong đó chủ yếu là những chiếc Airbus A320.
Với đội bay của Pacific Airlines, trong 17 chiếc thì hãng đã phải tạm dừng khai thác tới 13 chiếc, chỉ còn 4 chiếc tham gia khai thác.