Nguy cơ từ bãi rác khổng lồ
Có mặt tại cảng Cát Lái (TPHCM), chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến hàng nghìn container phế liệu tồn đọng nhiều tháng ở đây. Thậm chí, có không ít container nằm đấy đã vài năm, vô chủ. Khi các cán bộ hải quan và cảng vụ mở niêm phong một số container để doanh nghiệp (DN) làm thủ tục mang hàng về, chúng tôi đã tận mắt thấy đủ thứ trên đời: Giấy, nhựa, bao nilon, máy lạnh, tủ lạnh, nồi cơm điện… Tất cả đều là đồ bỏ đi, không còn sử dụng, mà dân gian gọi nôm na là rác (còn theo giấy tờ pháp lý nhập khẩu là “phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”).
Anh Nguyễn Quang Tuấn - cán bộ cảng Cát Lái - cho biết: “Cả nghìn container phế liệu nhập khẩu về đang khiến chúng tôi khó xử. Container chiếm diện tích kho bãi, cảng thiệt hại rất nhiều. Bên cạnh đó là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các loại phế liệu này như đồ điện tử rất độc hại, mang đi tiêu huỷ thì chi phí rất cao, cao hơn nhiều lần giá trị của phế liệu.
Không DN cảng nào đủ chi phí để tiêu huỷ các lô phế liệu tới hàng nghìn container như thế này”. Thật vậy, hiện TCty Tân Cảng đang “gánh” số lượng container phế liệu nhập khẩu từ nhiều nguồn lên tới gần 4.500 container. Trong đó, tại cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn số lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam. Điều đáng nói, số lượng container lưu quá 90 ngày ở Cát Lái chiếm tới hơn 2.000 container. Ước tính khoảng 20% số container trên là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.
Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), theo ông Nguyễn Văn Danh - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cái Mép - Thị Vải: “Tổng số lượng container phế liệu nhập khẩu về nằm ở cảng khoảng 3.000 container. Tuy nhiên, phế liệu giấy, nhựa chiếm tỉ lệ rất ít, chủ yếu là các container phế liệu sắt, thép được các DN sản xuất tôn, thép nhập về làm nguyên liệu sản xuất”.
Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của các cảng, gia tăng chi phí cho DN.
Chỉ giải quyết phần ngọn
Thông tin từ Bộ TNMT cho biết: Cuối năm 2017, Trung Quốc đã dừng nhập 24 loại phế liệu phục vụ tái chế. Bên cạnh đó, nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước gia tăng. Mặt khác, có DN vì “siêu lợi nhuận” từ phế liệu đã dùng nhiều thủ đoạn lách luật, bằng mọi cách nhập khẩu phế liệu vào VN. Những nguyên nhân trên khiến cho số lượng phế liệu nhập về VN trong thời gian gần đây tăng đột biến.
Theo số liệu từ Bộ TNMT, tổng khối lượng phế liệu nhập về VN năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ cát là những loại phế liệu tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2016. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng kỷ lục, gần gấp 2 lần so với năm 2017 (157.880 tấn, cả năm 2017 chỉ 90.839 tấn).
Một cán bộ chuyên ngành logistic nói thẳng: “Bởi hệ thống tờ khai hải quan cho phép tàu hàng cập cảng không quy định chủ tàu phải khai báo đơn hàng của lô hàng phế liệu đã có giấy phép hay chưa. Chỉ khi làm thủ tục thông quan ở cửa khẩu, hải quan mới xem xét giấy phép này. Do đó, khi phát hiện lô hàng không có giấy phép nhập khẩu, thì các container phế liệu đã được bốc dỡ lên cảng, còn tàu vận chuyển đã cao chạy xa bay khỏi VN, coi như chuyện đã rồi và hậu quả thì VN gánh chịu.
Lợi dụng kẽ hở lỏng lẻo này mà hàng nghìn container phế liệu đã ồ ạt vào VN”. Chưa kể, việc xác định thế nào là phế liệu, thế nào là phế thải, đặc biệt là đối với cụm từ “hàng đã qua sử dụng có tính chất phế liệu”, cũng khiến cho nhiều container lọt vào VN rất trơn tru.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các giải pháp xử lý container phế liệu tồn đọng còn mang tính chất “chữa cháy”, chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa đủ để giải quyết phần gốc. Một khi các cơ quan liên quan vẫn chưa tìm ra biện pháp tốt nhất để giải quyết hàng nghìn container tồn đọng tại các cảng biển, thì nguy cơ VN sẽ trở thành “bãi rác” cho thế giới là rất rõ.