Qua đó, các DN, cá nhân bán hàng trên mạng phải cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng sản phẩm như quảng bá. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hùng – Cục phó Cục QLTT Bộ Công thương liên quan đến vấn đề này.
Thưa ông, hiện nay không chỉ có các trang mạng xã hội như Zalo, facebook những trang bán hàng thương mại đã được cấp phép tuy đã tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng, nhưng vẫn có những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý việc bán hàng trên mạng. Theo đó, các DN bán hàng trên mạng phải có cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng.
Đồng thời phối hợp với Cục QLTT, Cục Xuất nhập khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hoá nhập khẩu vào VN cũng như hàng hoá sản xuất trong nước và sẽ xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nếu cần thiết sẽ đề nghị xử lý hình sự. Tiếp sau đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác đồng loạt ra quân xử lý.
Hiện khó khăn nhất là quản lý việc bán hàng trên các trang mạng xã hội Zalo, facebook còn các trang bán hàng thương mại đã được cấp phép thì nếu vi phạm các quy định của pháp luật thì xử lý và nếu cần thiết sẽ rút giấy phép đăng ký kinh doanh. Về nguyên tắc, khi mở chợ thì ban quản lý phải kiểm soát và quản lý được các đối tượng kinh doanh của mình và trong đó có quy định cấm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nếu vi phạm các chủ hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm vi phạm cùng đó ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm. Do đó, các trang thương mại điện tử phải có trách nhiệm quản lý những hàng hoá được rao bán trên trang của mình.
Một vấn đề mới phát sinh là một số đối tượng nhỏ lẻ, buôn bán trên mạng xã hội với nick ảo và giao dịch qua điện thoại, khi xảy ra vấn đề rất khó xử lý. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị. Các cơ quan truyền thông cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân biết và hiểu rõ về tác hại của hàng giả, hàng nhái... để không mua bán, tiếp tay cho các đối tượng làm ăn gian dối.
Thời gian qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện rất nhiều sản phẩm bị tráo đổi nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng và được quảng cáo công khai trên các trang mạng xã hội. Như vậy, có nghĩa là, chúng ta chưa xử lý được tận gốc các vụ việc, thưa ông?
Đã là hàng giả thì không thể xử phạt hành chính, vì ngoài việc ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dùng, nó còn phá vỡ thị trường SX trong nước, làm mất uy tín và hình ảnh môi trường kinh doanh của VN, do đó phải xử lý nghiêm. Có thể nói, hiện nay, trên thị trường, hàng hoá bị làm giả rất nhiều, từ bằng cấp, thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, thuốc chữa bệnh...
Với góc độ của mình là kiểm tra, kiểm soát hàng hoá lưu thông trên thị trường, nhưng hiện thẩm quyền của lực lượng QLTT còn nhiều hạn chế. Do đó, cần phải lập lại trật tự QLTT và phải hành động thực tế, những vụ việc được phát hiện với đầy đủ chứng cứ như: Mỹ phẩm TS, thuốc giả Vinaca, VN pharma, Khải Silk... thì phải khởi tố hình sự.
Lợi dụng các trang mạng xã hội và sự bất cập trong quản lý, một số đối tượng từ nước ngoài đã vào VN kinh doanh các mặt hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng. Vậy trách nhiệm của QLTT như thế nào, thưa ông?
Vấn đề này rất nhạy cảm và phải có những điều tra sâu mới đưa ra được quyết định xử lý. Việc điều tra, làm rõ hành vi, ổ nhóm làm giả, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là 2 lực lượng chủ công là Hải quan và Bộ đội Biên phòng cũng cần phải có sự phối hợp của các nhà sản xuất.
Vì các đối tượng thường chuyển hàng qua cửa khẩu và đường mòn lối mở và hiện vẫn còn đâu đó sự buông lỏng hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu ngang nhiên thách thức dư luận. Do đó, cần phải siết chặt quản lý và bắt đầu ngay từ những người đứng đầu mỗi đơn vị để lấy lại niềm tin cho nhân dân.