Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị về công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tại hội nghị, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại Phan Khánh An cho biết: "Theo khảo sát gần đây, hơn 15,% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại; 63% có nghe nói nhưng không biết rõ; 19% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ và số doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ hoặc là bên liên quan chỉ chiếm 1,89%".
Ông An nhận định: "Các doanh nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận các biện pháp phòng vệ thương mại để hàng hóa Việt Nam không gặp khó khăn khi ra nước ngoài. Nếu không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng quốc tế tràn ngập thị trường Việt Nam, bóp nghẹt nền sản xuất trong nước, gây thiệt hại nặng nề".
"Có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị điều tra nhưng không biết, chỉ khi hàng hóa xuất khẩu vào nước đó bị áp thuế cao mới vỡ té ngửa và có khi bị áp 4-5 năm rồi. Đây là khiếm khuyết về thông tin mà doanh nghiệp thường hay bỏ qua", ông Phan Khánh An nói thêm.
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2020, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau. Tính đến hết quý I/2020, có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Phó Trưởng phòng Phan Khánh An khẳng định: "Khi hàng Việt xuất sang nước ngoài nhiều hơn thì càng bị điều tra nhiều vì các ngành sản xuất trong nước của các quốc gia đó bị cạnh tranh trực tiếp. Họ sẽ yêu cầu Chính phủ nước họ điều tra để áp dụng các biện pháp bảo hộ. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị thật tốt".
Tại hội nghị, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chỉ rõ, đối với thị trường EU, nguy cơ để sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với nhau là tương đối thấp so với các thị trường khác vì hàng hóa hai khu vực mang tính bổ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau.
"Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Việt Nam cũng đã nhận định được những mặt hàng xuất khẩu sang EU có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như dệt may, da giày, thép, đồ gỗ để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, ứng phó khi có các vấn đề phức tạp xảy ra", bà nhấn mạnh.
Đồng thời, nông thủy sản được coi là nhóm hàng có mức “nhạy cảm” nhất với EU. EU đứng đầu thế giới về trợ cấp cho ngành nông nghiệp, họ rất quan tâm hỗ trợ người nông dân thông qua ưu đãi về đất đai, bảo hộ sản xuất...
Do vậy, bất kỳ mặt hàng nào nhập vào EU gây thiệt hại cho người nông dân, ví dụ như sữa, cây trồng chắc chắc là ưu tiên của EU trong áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Bà Giang nêu rõ: "Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng hơn 2 tỷ USD, thủy sản 1,25 tỷ USD trong năm 2019. May mắn những mặt hàng Việt Nam xuất sang EU là xuất thô và không phải là các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp. Định hướng của Việt Nam là xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Trong tương lai, nếu doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Nestle... xuất khẩu các chế phẩm từ sữa sang EU nhiều thì đây là mặt hàng đầu tiên trong danh sách EU áp dụng thuế quan để bảo hộ thông qua biện pháp phòng vệ thương mại".