Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa thông báo tổ chức bán lô hàng gần 170 tấn thịt trâu đông lạnh bắt giữ trong tháng 2.
Cụ thể, vào ngày 26/2/2018, tại khu vực vùng biển Vịnh Bắc bộ, tổ công tác thuộc Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phát hiện và kiểm tra 2 tàu vỏ sắt.
Tài sản bán gồm 168,25 tấn thịt trâu đông lạnh bị tịch thu; tổng trị giá gần 13 tỷ đồng
Tại thời điểm kiểm tra, tàu đang trên hành trình theo hướng 220 độ đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam, thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu không xuất trình được giấy tờ, tài liệu liên quan chứng minh cho việc đã làm thủ tục nhập khẩu toàn bộ số lượng hàng hàng hóa vận chuyển trên tàu.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, lô hàng này đang được Tổng cục Hải quan thu giữ nên việc bán đấu giá hàng hóa không thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Thú y.
Tuy nhiên, theo Cục Thú y, nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thì phải buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ lô hàng.
Cũng theo Cục Thú y, vào ngày 11/6/2018, Cục Điều tra chống buôn lậu Hải đội kiểm soát trên biển miền Bắc đã có Công văn số 24/HĐ1-TMNV gửi Chi cục thú y vùng II về việc đề nghị Chi cục thú y vùng II tiến hành lấy mẫu để giám định chất lượng và kiểm dịch lô hàng vi phạm là 168,250 kg thịt trâu đông lạnh được tịch thu.
Ngày 12/6/2018, Chi cục Thú y vùng II đã có Công văn trả lời về việc lấy mẫu để giám định chất lượng và kiểm dịch.
Theo đó, nếu sản phẩm động vật không có khai báo kiểm dịch, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, không có tài liệu liên quan chứng minh cho việc đã làm thủ tục nhập khẩu đã được quy định thì hình thức xử lý là buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ số thịt trâu đông lạnh nêu trên.
Do vậy, Chi cục Thú y vùng II không tiến hành lấy mẫu theo đề nghị của Cục điều tra chống buôn lậu – Hải đội kiểm soát trên biển khu vực phía Bắc.
Cục Thú y cho biết, để sản phẩm động vật nhập khẩu bảo đảm làm thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật như: Có danh sách nhà máy sản xuất của nước xuất khẩu trước khi xuất khẩu vào Việt Nam, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu,…
Do đó, theo Cục Thú y, nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thì phải buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ lô hàng. Không cần kết luận lô hàng có bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước hay không.