Chiều 4-3, UBND TP HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 2, hai tháng đầu năm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ tháng 3 năm 2022.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.
Cuộc họp thường kỳ của UBND TP HCM chiều 4-3; Ảnh: Trung tâm Báo chí thành phố
Tại phiên họp, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Lê Duy Minh thông tin về việc bán đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm .
Ông Lê Duy Minh cho biết Cục Thuế thành phố đang chịu nhiều áp lực từ Trung ương trong việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Hai doanh nghiệp trúng đấu giá 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin điều chỉnh kết quả. Đối với 2 lô đất còn lại thì doanh nghiệp vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định ban đầu" – ông Lê Duy Minh nói.
Theo ông Lê Duy Minh, Cục Thuế TP HCM đang áp dụng các giải pháp để xử lý. Ông cũng mong TP HCM gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc thực thi kết quả đấu giá và có thông tin để Cục Thuế TP HCM trả lời với các cơ quan báo chí về tiến độ thực hiện bán đấu giá.
Trong thời gian tới, ông Lê Duy Minh cho biết Cục Thuế TP HCM sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan ban ngành đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ.
Trước mắt, trong vòng dưới 90 ngày, Cục sẽ có thư nhắc nhở. "Nếu quá 90 ngày không thực hiện thì cơ quan thuế có biện pháp cưỡng chế. Các biện pháp cưỡng chế được áp dụng từng bước, từng cấp độ. Biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, đề nghị thu hồi dự án" – ông Lê Duy Minh nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 10-12-2021, Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP HCM tổ chức bán đấu giá bốn lô đất thuộc khu chức năng số 3 (Khu dân cư phía Bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM).
Sau khi trúng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty TNHH đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh đã xin "bỏ cọc". Đến nay, 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega chưa nộp tiền sử dụng đất. Hai doanh nghiệp này lần lượt trúng thầu lô đất số 3-5, lô đất số 3-8 và phải đóng tiền sử dụng đất lần lượt là 3.820 tỉ đồng và 4.000 tỉ đồng.
Cục Thuế TP HCM cho biết qua số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2022 cho thấy bức tranh kinh tế trên địa bàn đã khởi sắc so với thời điểm giãn cách.
Cụ thế, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách từ sản xuất tăng 0,03%; hoạt động vận tải và dịch vụ vận tải tăng 6,1%; doanh nghiệp đăng ký tăng 21,5%; thị trường tài chính tăng trưởng ổn định.
Thành phố thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch với độ phủ vắc-xin cao đã giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Chủ trương "sống chung an toàn với dịch Covid-19" là yếu tố quan trọng tạo dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền; là động lực để người lao động từ các địa phương quay trở lại thành phố làm việc.
Đầu năm 2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 được ban hành tuy có độ trễ nhất định để "thấm vào mạch máu" của nền kinh tế nhưng sẽ có tác động tích cực để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trên thì còn những hạn chế, tồn tại. Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp khi biến chủng Omicron trở thành phố biến, điều này sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực phục hồi của kinh tế thành phố.
Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng cao hơn số doanh nghiệp hoạt động trở lại, cho thấy một bộ phận doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giá xăng dầu tăng cao không chỉ làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên mà còn ảnh hưởng sâu, rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp.