Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thừa nhận cây ăn quả có múi tăng trưởng rất cao. Đơn cử, năm 2017, diện tích tăng rất lớn lên đến 22.000ha so với năm 2016. Trong đó, diện tích trồng cam hiện tại là 90.000, tăng 10.000ha; diện tích trồng bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016.
Theo ông Cường, đây là những loại cây có múi, đòi hỏi cao về điều kiện đất đai, thế nhưng sản phẩm lại chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Mấy năm nay nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích, các loại cây có múi đang phát triển tưng bừng.
Nói về quy hoạch đối với cây có múi, ông Cường khẳng định, theo quy định mới là không có quy hoạch, và tới đây cũng sẽ không có. Đặc biệt là những loại cây diện tích trồng không ở phổ rộng như cây có múi.
Tuy nhiên nhận thức được vấn đề, ngày 22/3, Cục Trồng trọt đã có văn bản 274 gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến cáo các địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây có múi, giảm tối đa tình trạng được mùa mất giá, thị trường phải tham gia giải cứu nông sản.
“Nông nghiệp của chúng ta sản xuất theo thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hay Cục Trồng trọt không được phép, không có quyền yêu cầu địa phương, nông dân phải trồng cây này hay không được trồng cây kia. Bộ chỉ có thể ra văn bản khuyến cáo, dựa trên các điều kiện về tự nhiên, điều kiện thị trường, liên kết để địa phương, nông dân sản xuất như thế nào cho hợp lý, giảm tối đa hiện tượng được mùa mất giá, dư thừa. Tuy nhiên, sản xuất thị trường rất khó để nói sản xuất đến đâu tiêu đến đó, ngay cả châu Âu cũng có hiện tượng tồn đọng nông sản, phải đổ sữa, trái cây...”, ông Cường cho hay.