Mới đây, báo chí đã dẫn lời của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trao đổi tại một toạ đàm về “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?”, nói rằng: "Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn...”,
Ý kiến của ông Bình gây hoang mang cho người tiêu dùng, làm tổn hại đến uy tín hình ảnh, thương hiệu của gạo Việt và ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nông nghiệp đã lên tiếng phản ứng về ý kiến trên.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định thông tin trên “hoàn toàn sai sự thật”.
Theo ông Cường, gạo Việt ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm suát, nhưng xuất khẩu gạo được xem là điểm sáng, khi xuất được 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan.
Ông Cường khẳng định, trong xuất khẩu gạo, Việt Nam không phải “một mình một chợ”, còn phải cạnh tranh từ các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… Nếu gạo Việt không khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yếu tố an toàn thực phẩm, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.
“Khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính”, ông Cường nói.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt, những năm qua, Việt Nam đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Việt Nam đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường
Các kỹ thuật canh tác như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả. Những mô hình trên đang được triển khai rất nhiều ở các địa phương, giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cũng theo ông Cường, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, đặc biệt là tham gia vào Hiệp định thương mại tư do. Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng.
“Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận”, ông Cường nói và khẳng định: “Việt Nam không có chuyện gạo ở ruộng này để ăn, gạo ở ruộng kia để xuất khẩu, nói tóm lại không có vùng riêng cho xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa nên tôi khẳng định không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng”.
Trong khi đó, theo TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo “bẩn” là không thỏa đáng, không có căn cứ, và không công bằng cho gạo Việt.
Theo TS Sơn, trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.
Chất lượng gạo cũng thay đổi rất nhiều nhờ bộ giống lúa được cải tiến, chúng ta xây dựng được hệ thống thủy lợi hoành tráng từ Bắc vào Nam; hệ thống chế biến, bảo quản gạo ngày càng mạnh.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng ngày càng mạnh mẽ, nông dân Việt Nam sẵn sàng tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chỉ cần có thị trường là nông dân áp dụng cái mới vào sản xuất.
Người phát ngôn 90% người Việt dùng gạo "bẩn" nói gì?
Liên quan về phát ngôn về "90% người Việt ăn gạo "bẩn", ông Phạm Thái Bình cho biết, nội dung trên được ông trao đổi hơn một tiếng đồng hồ, ngày 3/9 nhưng "nhà báo lại cắt khúc ra để gây sốt cộng đồng mạng, quy tội tôi".
Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An
"Tôi nói gạo "bẩn" ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói tới và sử dụng. Cụ thể là trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ VietGAP; GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn", ông Bình nói.
"Đã là gạo không an toàn người ta gọi là ‘bẩn’ cũng không sai. Tôi nói ‘con số 90%’ – ăn gạo chưa sạch là có căn cứ: Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4,5 triệu ha đất lúa, trong đó hiện tại chưa đến 400 nghìn ha trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để cho ra gạo an toàn. Như vậy, con số 90% là còn ít", ông Bình phân tích.
Theo ông Bình, múc đích của ông nếu thông tin trên là để cảnh báo người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm ăn hàng ngày sao cho thông minh, đừng bị lừa.
Ông Bình cũng khẳng định rằng, thông tin về việc người dân Việt Nam đang sử dụng gạo không an toàn không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thậm chí, ngược lại, ở châu Âu hoặc các nước khác khi biết được thông tin họ còn cho là chúng ta thành thật và thẳng thắn, bởi chính các nước cũng đang đau đầu với thực phẩm "bẩn", trong đó có cả gạo chứa nhiều hóa chất.