Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, sản lượng lúa vụ đông xuân 2020 vẫn đạt 10 triệu tấn. Ảnh: DV
Trong bối cảnh hạn mặn dịch cúm do virus corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, hạn mặn được đánh giá còn gay gắt hơn đỉnh điểm năm 2015 – 2016 nhưng ngành sản xuất lúa gạo vẫn trở thành điểm sáng ngay từ đầu năm 2020 khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đều tăng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
-Ngay từ tháng 9 – 10/2019, ngành chức năng đã dự báo, hạn mặn trong vụ đông xuân sẽ trở nên gay gắt, thậm chí còn vượt khốc liệt hơn đợt hạn mặn năm 2015 – 2016. Chính vì vậy, ngành trồng trọt chủ động yêu cầu các địa phương xuống giống sớm và cắt bỏ xuống giống những diện tích trồng lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính vì vậy, vụ lúa đông xuân năm nay có 2 thay đổi lớn, đó là sản lượng lúa cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được cung ứng sớm hơn trung bình hàng năm từ 20 ngày đến 1 tháng.
Sản lượng cung ứng kịp thời, gặp đúng lúc thị trường cần nên xuất khẩu lúa gạo ngay từ những tháng đầu năm đã vô cùng sôi động, kéo giá lúa đông xuân tại thị trường trong nước cũng tăng cao dù không ít mặt hàng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.
Như vậy, việc xuống giống sớm, thu hoạch sớm đã góp phần giúp lúa gạo trở thành điểm sáng xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid –19 khiến nhiều mặt hàng gặp khó khăn, thưa ông?
-Tôi cho đó là một phần nguyên nhân. Xuất khẩu gạo tăng cao ngay từ những tháng đầu năm 2020 là cộng hưởng của rất nhiều yếu tố.
Khi xác định sẽ xuống giống sớm, chúng tôi cũng chủ động thông báo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp từ tháng 10/2019 là thời điểm Tết Nguyên đán sẽ có gạo tung ra thị trường, sớm hơn mọi năm để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đơn hàng.
Cộng với nhu cầu tăng cao tại nhiều thị trường, gặp đúng lúc sản lượng lúa gạo của Việt Nam đang dồi dào nên đương nhiên thị trường xuất khẩu sẽ tương đối khả quan. Sự kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố đã giúp ngành lúa gạo khởi sắc.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình ứng phó với hạn mặn trong sản xuất lúa ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Ảnh: Trần Đáng.
Hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL liệu có ảnh hưởng đến sản lượng lúa đông xuân không, thưa ông?
-Đúng là hạn mặn năm nay vô cùng khắc nghiệt nhưng do chủ động các giải pháp xuống giống sớm nên diện tích lúa bị thiệt hại không nhiều.
Theo đó, tổng diện tích lúa bị thiệt hại bởi hạn mặn khoảng 23.000ha, trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại từ 30 – 70% là 17.000ha, so với cùng kỳ đợt hạn mặn kỷ lục năm 2015 – 2016 thì chỉ bằng 10% (thời điểm đó diện tích lúa bị thiệt hại là 150.000ha), còn so với tổng diện tích lúa vụ đông xuân hiện tại của vùng ĐBSCL thì chỉ chiếm 1%.
Chính vì vậy, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay vẫn đạt khoảng 10 triệu tấn, tương đương các vụ trước, sẽ có khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Có được kết quả này là nhờ sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các ngành chức năng và địa phương cũng như người dân đã phát huy hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi cũng như áp dụng linh hoạt các giải pháp phi công trình như xuống giống sớm để né hạn mặn, kiên quyết không cho xuống giống ở những diện tích có nguy cơ ảnh hưởng nặng.
Việc xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai hạn mặn được thực hiện tốt, áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Với những tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, ông dự báo như thế nào về tình hình sản xuất lúa gạo năm 2020 mặc những khó khăn do dịch Covid - 19?
-Có thể khẳng định, vụ lúa đông xuân đảm bảo đủ sản lượng cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Trong tháng 4 tới, các địa phương tiếp tục xuống giống vụ hè thu nên chắc chắn sản lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm sẽ đủ cung ứng cho thị trường.
Năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo, với những tín hiệu ấm ngay từ đầu năm, tôi tin mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được và ngành sản xuất lúa sẽ cung ứng đủ lượng gạo thị trường cần dù cho những tác động của dịch Covid - 19 là không thể tránh khỏi.
Xin cảm ơn ông!