Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, qua kiểm tra việc chặt bỏ rau không thu hoạch được xảy ra ở vùng trồng củ cải Tráng Việt, Mê Linh (Hà Nội) và vùng trồng su hào Tứ Kỳ (Hải Dương).
Đối với vùng trồng củ cải ở xã Tráng Việt, có 90 ha trồng chuyên canh củ cải, năm nay nông dân đã thu hoạch ổn định 3 lứa với lãi rất cao. Lứa rau đang cho thu hoạch là lứa thứ 4, phần lớn sản lượng rau đã được tiêu thụ hết. Lượng rau tồn có diện tích xấp xỉ 10 ha, phần lớn diện tích này đã được nông dân ký hợp đồng bao tiêu với thương lái với giá 35 triệu đồng/sào (tương đương 850 triệu đồng/ha). Số diện tích chưa ký hợp đồng bao tiêu với thương lái phần lớn được bán cho các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp.
Sau tết, khi giá rau giảm, nhiều thương lái muốn kéo dài thời gian thu hoạch để chờ giá cao hơn vào thời điểm gối vụ rau nhưng do thời tiết ấm nên củ cải đã nở hoa, củ nhanh bị già và xốp, chất lượng giảm không bán được, thương lái không quay lại thu sản phẩm nên nông dân buộc phải nhổ bỏ để giải phóng đất, tiếp tục trồng các loại rau khác.
Còn đối với vùng trồng su hào ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), giá bán su hào trung bình trong vụ đông xấp xỉ 3.500 đồng/củ, tương đương khoảng 7 triệu đồng/sào/lứa hay 190 triệu đồng/ha/lứa. Trong khi chi phí vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là 1 triệu đồng/sào thì lãi chưa tính công lao động của nông dân xấp xỉ 6 triệu đồng/sào/lứa (160 triệu đồng/ha). Đến hết vụ đông, nông dân đã trồng 3 lứa, như vậy lãi chưa trừ công lao động xấp xỉ 500 triệu đồng/ha. Sau khi trừ công lao động, nông dân còn lãi xấp xỉ khoảng 250-300 triệu đồng/ha trong 3 lứa rau.
Về hiện tượng chặt bỏ sản phẩm, tương tự như đối với củ cải ở Tráng Việt, diện tích bị chặt bỏ là diện tích trồng vào lứa 1 của vụ xuân. Tổng diện tích su hào lứa này của Hải Dương chỉ có 140 ha, bằng 10% tổng diện tích su hào vụ Đông.
Trong tổng diện tích 140 ha su hào vụ xuân chỉ có 10 ha trồng sớm, cho thu hoạch trùng đúng vào thời điểm tận thu rau vụ đông nên giá bị giảm sâu. Ngay trước tết, giá bán chỉ còn 1.500 đồng/củ, sau tết chỉ còn 1.000 đồng/củ và từ 10/3 chỉ còn 500 đồng/củ. Do giá thấp, nông dân có tâm lý chờ giá cao trở lại nên kéo dài thời gian thu hoạch, củ bị giảm chất lượng, xơ hoá khi gặp thời tiết ấm.
Hiện tại, diện tích su hào còn lại đang trong thời kỳ phát triển, nông dân tiếp tục chăm sóc để thu hoạch. Từ 15/3, giá bán su hào, cải bắp đang tăng lên, su hào bán 1.000-1.200 đồng/củ, cải bắp 2.500-3.000 đồng/kg (loại cải bắp trên 2 kg đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được 1 công ty thu mua 3.500 đồng/kg). Với giá bán này, nông dân hoàn toàn không bị lỗ.
Ông Nguyễn Hồng Sơn dự báo, trong thời gian tới giá rau sẽ tăng lên do lượng cung bị giảm, lượng rau cung cấp ra thị trường chủ yếu là trên đất chuyên trồng rau.
Hôm qua (20/3), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đã trực tiếp xuống huyện Mê Linh làm việc về sản xuất rau và tiêu thụ rau quả hiện nay. Sau khi kiểm tra và làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh việc hướng dẫn nông dân áp dụng công tác chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đào tạo nghề cho người dân về chế biến nông sản nhằm đa dạng mặt hàng, sản phẩm cung ứng ra thị trường. Hướng dẫn các hợp tác xã thành lập nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông sản để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, hướng dẫn các điều kiện để đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại; phát triển sản xuất theo mô hình sản xuất du lịch để phát triển du lịch đồng thời quảng bá, nâng cao giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm sau thu hoạch, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.