NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung (ảnh) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) về công cuộc chấn chỉnh, tái thiết thị trường phân bón.
Thưa ông, từ khi Bộ NNPTNT chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón, Cục Bảo vệ thực vật đã có những tham mưu gì nhằm giúp Bộ đưa ra giải pháp chấn chỉnh ngành phân bón?
Sáng 9.5.2017, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiêu huỷ hơn 20 tấn phân bón, phân urê, chất tạo đất kém chất lượng. Ảnh: T.L
"Thuận lợi là chúng ta đã có hành lang pháp lý mới, sự quyết tâm từ Chính phủ, quyết tâm của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, đặc biệt có sự phối hợp rất chặt chẽ và quyết tâm từ các cơ quan chức năng, hiệp hội để lập lại trật tự ngành phân bón”. Ông Hoàng Trung |
- Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón về Bộ NNPTNT, ngay lập tức Bộ đã có các văn bản để báo cáo Thủ tướng đề nghị tiếp quản ngay dự thảo sửa đổi Nghị định 202 về quản lý phân bón, đồng thời xin phép Thủ tướng cho phép xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 202 theo trình tự rút gọn. Sau đó, Nghị định 108 đã được Chính phủ ban hành ngày 20.9.2017.
Nghị định 108 đi vào cuộc sống giúp cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ ngành phân bón. Trong đó, công tác khảo nghiệm là công việc vô cùng quan trọng, vì vậy, nghị định quy định rất chặt chẽ như: Tất cả các sản phẩm trước khi lưu hành đều phải khảo nghiệm ở các tổ chức có điều kiện (trừ một loại cơ bản, phân hữu cơ và các công trình khoa học từ cấp sở trở lên được công nhận tiến bộ kỹ thuật thì không phải khảo nghiệm).
Về điều kiện sản xuất, so với Nghị định 202 thì Nghị định 108 làm rõ hơn về lĩnh vực chuyên môn được phép sản xuất phân bón. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được quy định chỉ 5 năm thay vì không có thời hạn như trước đây.
Đối với việc buôn bán phân bón, trước đây do không có sự quản lý chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng đại lý buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Theo nghị định mới, đại lý muốn buôn bán phân bón thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được kinh doanh, buôn bán.
Một điểm mới vô cùng quan trọng là phân cấp cho địa phương trong nghị định này. Có khoảng 8 nội dung về quản lý nhà nước thì đã phân cấp 6 nhiệm vụ cho cácSở NNPTNT và các Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật địa phương. Nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Công tác quản lý đã có những thay đổi chuyển biến tích cực gì và bước đầu thu được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, cả phân bón vô cơ và hữu cơ với 706 nhà máy sản xuất. Sản lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn, cộng với nhập khẩu 4 triệu tấn/năm. Như vậy, tổng sản lượng phân bón là khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (hàng năm chỉ cần từ 10 - 11 triệu tấn).
Lượng phân bón dư thừa quá lớn dẫn tới một hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. Chính vì vậy, Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu vào và tất cả các khâu trong sản xuất. Ngay sau khi nghị định này được ban hành, Bộ NNPTNT chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón từ Bộ Công Thương. Khó khăn đầu tiên là số lượng sản phẩm phân bón quá lớn với hơn 14.000 sản phẩm, trong đó có 713 sản phẩm phân bón hữu cơ của Bộ NNPTNT.
Về cơ sở sản xuất phân bón, đến thời điểm này Bộ NNPTNT đã tiếp nhận 545 cơ sở và 268 nhà máy được phép gia công đóng gói lại sản phẩm.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đã tiếp nhận toàn bộ 41 phòng thử nghiệm từ Bộ Công Thương. Sau khi tiếp quản, Cục đã rà soát tổng thể và chỉ định lại các phòng thử nghiệm, và hiện chúng tôi đã công nhận 12 phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn.
Song song với những việc làm trên, chúng tôi khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, với 76 tiêu chuẩn để phục vụ cho thử nghiệm; hoàn tất các tiêu chuẩn lấy mẫu và sửa đổi các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng phân bón vô cơ, hữu cơ, nếu không có gì thay đổi thì tháng 5 này sẽ ban hành.
Ngoài ra, đến nay chúng tôi đã công nhận và lưu hành được 4.000 sản phẩm và loại bỏ 1.200 sản phẩm không đạt yêu cầu. Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật cũng đang rà soát lại các cơ sở sản xuất phân bón để loại bỏ các cơ sở không đủ điều kiện, các cơ sở sản xuất chui, lưu động.
Nhận nhiệm vụ quản lý toàn bộ ngành phân bón, Bộ NNPTNT nói chung và Cục Bảo vệ thực vật nói riêng chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn?
- Về khó khăn, đây là lĩnh vực rất phức tạp, rất nhạy cảm, số loại sản phẩm phân bón đồ sộ, nhà máy nhiều vô kể và hiện nay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang hiện hữu.
Hiện nay các cơ sở pháp lý, các chế tài để tuân thủ Nghị định 108 cũng như bảo đảm sức răn đe đối với các vi phạm mới đã được hoàn thiện với chế tài xử phạt cao hơn.
Để có những thay đổi căn bản về lâu về dài, bên cạnh những hoạt động chuyên ngành, tôi thấy rằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vô cùng quan trọng. Chúng ta cần tuyên truyền để bà con nông dân thay đổi nhận thức sử dụng phân bón, chuyển dần từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ để tạo ra những sản phẩm nông sản hữu cơ, an toàn.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là tất yếu và để bắt kịp xu thế của thế giới. Ngay trong Nghị định 108 về quản lý phân bón mới ban hành, các quy định đã được thể hiện rất rõ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho phân bón hữu cơ phát triển.
Tôi tin rằng với sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và các đơn vị liên quan, cùng sự vào cuộc tích cực của các địa phương, việc quản lý ngành phân bón trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Xin cảm ơn ông!