Ngay sau buổi trao chứng chỉ đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) chiều 15/2, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng có cuộc chia sẻ với báo chí.
- Việc đạt tiêu chuẩn CAT 1 mang lại lợi ích gì cho khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không và cơ hội gì cho các hãng hàng không Việt Nam?
- Ông Đinh Việt Thắng:Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành hàng không và là sự khẳng định của quốc tế đối với năng lực của hàng không Việt Nam.
Thứ nhất, theo tôi, đạt CAT 1 là cơ hội cho các hãng hàng không Việt Nam có thể mở chuyến bay thẳng đến Mỹ.
Thứ hai, hiện tại, các hãng Việt Nam hợp tác rất nhiều với các hãng hàng không Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ hợp tác khai thác trên các chuyến bay của Mỹ. Ở chiều ngược lại, do chưa đạt CAT 1, phía Mỹ không cho các hãng của mình hợp tác trên chuyến bay của Việt Nam.
Sau khi đạt CAT 1, tất cả chuyến bay của các hãng Việt Nam, Mỹ đều có quyền hợp tác khai thác cả trên tàu bay của nhau.
Thứ ba, với sự kiện đạt CAT 1, hình ảnh, vị thế của hàng không Việt Nam được cũng cố rất lớn, tạo ra niềm tin của hành khách với các dịch vụ của hàng không Việt Nam.
Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Có hãng hàng không nào có kế hoạch mở đường bay thẳng trong năm 2019 không thưa ông?
- Theo tôi biết, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác đều có kế hoạch bởi thị trường hàng không Mỹ rất lớn và có tiềm năng.
Đặc biệt, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có 10 năm nghiên cứu để mở đường bay thẳng. Thực tế, từ năm 2001, Vietnam Airlines đã đặt văn phòng đại diện tại Mỹ để nghiên cứu, xúc tiến thương mại cho các chuyến bay thẳng.
Theo tôi biết, theo kế hoạch, cuối 2019 - đầu 2020, Vietnam Airlines sẽ tiến hành đánh giá và có khả năng sẽ mở đường bay trực tiếp bằng các máy bay thân rộng, đường dài.
Về lâu dài, để khai thác hiệu quả các chuyến bay, các hãng hàng không Việt Nam phải đầu tư các máy bay có tầm bay xa hơn, đảm bảm hiệu quả kinh tế hơn. Tôi chắc chắn đây là thị trường hết sức hứa hẹn, hết sức tiềm năng.
- Cơ hội và thách thức như thế nào, thưa ông?
- Đứng dưới góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi nhận thấy thách thức rất lớn đối với nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Nhưng đối với doanh nghiệp, sự kiện này mở cơ hội rất lớn để chúng ta hội nhập vào sân chơi chung. Tất cả ranh giới giữa hàng không trong nước và nước ngoài đều xóa bỏ trong cuộc chơi này. Tất cả chúng ta đều có hành trang giống nhau, sân chơi giống nhau, luật lệ giống nhau.
Chúng ta phải có công tác chuẩn bị rất kỹ mới thành công trong thị trường hàng không với các điều kiện cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay.
Nhân cơ hội này, các hãng hàng không phải có kế hoạch để mở rộng các chuyến bay, thị trường, nâng cao các chuyến bay.
- Đối với chứng chỉ CAT 1, phía Mỹ yêu cầu như thế nào trong những năm tiếp theo?
- Đạt tiêu chuẩn CAT 1 là rất khó khăn (Việt Nam mất 7 năm để chuẩn bị) nhưng việc duy trì tiêu chuẩn này còn khó khăn hơn.
Thực tế, một số quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế đã không được đầu tư cho hệ thống con người, công cụ, họ có thể bị hạ cấp. Việc bị hạ cấp có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành hàng không.
Đối với các quy định của FAA, trong trường hợp của Việt Nam, trong một năm nữa, phía Mỹ sẽ thanh sát trở lại. Những năm tiếp theo, Mỹ tiếp tục theo dõi quá trình hoạt động của Việt Nam và có thể thanh sát bất thường.
Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn chuyên ngành, hệ thống tổ chức của ngành hàng không dân dụng phải liên tục cập nhật. Chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực và huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng nhất trong đánh giá của FAA. Việt Nam phải thường xuyên bổ sung nâng cao số lượng, củng cố chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với đó, nguồn lực Nhà nước cần đảm bảo cho ngành hàng không duy trì năng lực của mình. Kiểm tra, giám sát thanh tra cũng là điểm cơ quan quốc tế rất quan tâm.
- Cảm ơn ông!