Sáng nay (29/3), đại diện Bộ Công Thương ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã chia sẻ thông tin về các tác động của việc siêu tàu mắc kẹt tại kênh đào Suez đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Hải, Kênh đào Suez là tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới. Với Việt Nam đây là tuyến đường giao hàng với châu Âu và một phần của bờ đông nước Mỹ. Châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tính theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều. Chúng ta đã ký được hiệp định thương mại tự do của EU và Anh do vậy lưu lượng thương mại gia tăng, đồng nghĩa khối lượng hàng hóa qua kênh đào Suez tăng tương ứng.
Lưu thông trên kênh đào Suez bị dừng tác động như thế nào đến Việt Nam
Hiện nay, ngoài một lượng hàng hoá lớn được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, về cơ bản, phần lớn hàng hóa của Việt Nam tới châu Âu đều được vận chuyển bằng đường biển, qua kênh Suez.
Số liệu báo cáo cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam qua châu Âu tăng 18% và nhập khẩu tăng 12%. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của kênh đào Suez.
Với kim ngạch xuất khẩu của 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD sang châu Âu, như vậy mỗi ngày lưu lượng xuất khẩu sang Châu Âu khoảng 100 triệu USD. Việc ùn tắc tại Suez khiến giao dịch thương mại của lượng hàng hóa này bị chậm lại đáng kể, từ đó phát sinh chi phí, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cũng ảnh hưởng đến việc nhập nguyên liệu sản xuất.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tác động về chính trị, thiên tai, dịch bệnh...đều có thể ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động lên phương án thích ứng và chống chịu với biến động ở bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu tác động đến chuỗi cung ứng, xây dựng phương án dự phòng cho trường hợp bất ổn.
"Hiện nay, một phương án được nghiên cứu là các tàu có thể đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để qua Đại Tây Dương đến châu Âu. Tuy nhiên, hành trình này sẽ kéo dài thời gian thêm 10-15 ngày, chi phí tốn kém hơn. Các hãng tàu trên thế giới đang xem xét khả năng, theo dõi chặt chẽ tiến độ việc giải cứu tàu Evergreen ở Suez.
Với doanh nghiệp Việt Nam, hàng của doanh nghiệp Việt Nam được xếp trên nhiều tàu khác nhau, từ nhiều chủ hàng ở các nước khác nhau, nên việc điều hướng tàu cần trao đổi chặt giữa các hãng tàu", Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu chia sẻ.
Xuất khẩu tăng 22% trong quý 1/2021
Theo số liệu của Tổng cục thống kê công bố, trong quý 1/2021, giá trị xuất khẩu tăng 22%, nhập khẩu tăng 26%, xuất siêu hơn 2 tỷ USD.
Theo ông Trần Thanh Hải, thế giới vẫn chịu tác động của Covid-19, kết hợp với các hệ quả của dịch bệnh như thiếu container, tăng giá cước tàu biển và gần nhất là sự cố trên kênh Suez, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng là kết quả nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và sự đồng hành của các bộ ngành, chúng ta đã tận dụng được ưu thế của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại.
Hiện nay, các ngành điện tử, điện gia dụng, gỗ, nội thất, là các mặt hàng được hưởng lợi, tác động tích cực, nhờ nhu cầu tăng cao ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, dệt may, da giày… khó khăn vẫn còn lớn do tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nó thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ ở nguồn cung mà còn ở chuỗi vận hành điều đó cho thấy tăng trưởng xuất nhập khẩu nói chung có các yếu tố khác biệt và chúng ta cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời các ngành hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Về con số nhập siêu gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, hiện nay việc nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho nhóm hàng xuất khẩu. Thời gian qua sản xuất phục hồi, nguyên liệu phục vụ cho nhóm hàng như đồ gỗ, nhựa, dệt may, da giày, đồ điện tử là nhóm nhập khẩu lớn nhất. Điều này cho thấy sự cân bằng và hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Hoạt động thương mại trong bối cảnh hiện nay chịu tác động bởi nhiều bất ổn, việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước bất lợi của thị trường là yếu tố hết sức thiết yếu. Năm 2020 các doanh nghiệp đã trải qua biến động rất lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 khắp thế giới nhưng đó chỉ là một trong các nguy cơ. Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa, toàn diện hơn trước bất lợi khác nhau để vươn lên.
Với thị trường EU, về lâu dài, việc tận dụng hiệp định thương mại EVFTA sẽ là yếu tố bền vững, bình đẳng với doanh nghiệp. Nhiều mặt hàng có lợi thế về tận dụng nguồn gốc xuất xứ, nguyên tác cộng gộp. Ví dụ trong trường hợp mặt hàng dệt may, chúng ta có thể cộng gộp nguyên liệu vải từ Hàn Quốc. Đây là thuận lợi mà EVFTA đem lại. Việc các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi ích chính là từ việc hiểu rõ hiệp định trong lĩnh vực của mình, trong hàng hóa của mình, để thay đổi nguồn cung nguyên liệu, qua đó đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ, nhờ đó hưởng mức thuế thấp hơn.
Về hoạt động nhập khẩu, mặt hàng chính chủ yếu là nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Thời gian qua với sự phục hồi của thị trường, các hàng hóa phục vụ cho việc sản xuất đồ gỗ, nhựa, da giày, gia dụng, linh kiện… là nhóm nhập khẩu lớn nhất, điều này cũng phản ánh sự cân băng, cơ cấu hợp lý để tích cực khuyến khích doanh nghiệp tăng xuất khẩu.