Giá vàng trong nước vừa trải qua năm 2021 theo xu hướng tăng. Trong đó có hai đợt biến động đáng chú ý là tháng 4 và tháng 11, đưa vàng chạm mức đỉnh 62,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng biến động mạnh kéo theo giao dịch trên thị trường sôi động, góp phần duy trì doanh thu ổn định cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội đó.
Cụ thể năm 2021, PNJ đạt doanh thu 19.613 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 11 năm. Còn đối với SJC, mặc dù đạt doanh thu 17.689 tỷ đồng nhưng đây là mức thấp hơn 24,7% so với năm 2020.
Trước đó, cơn sốt vàng năm 2011 từng mang lại cho SJC doanh thu kỷ lục trong lịch sử kinh doanh với 111.052 tỷ đồng. Đến năm 2012 đạt 72.051 tỷ đồng, bỏ rất xa kết quả kinh doanh của PNJ tuy nhiên bắt đầu ''lao dốc'' kể từ năm 2013 và đến năm qua, lần đầu tiên PNJ đã có kết quả doanh thu ''vượt mặt'' SJC.
Xét về doanh thu, hai doanh nghiệp này vẫn có thể được xem là ngang ngửa trong những năm qua, tuy nhiên về lợi nhuận sau thuế lại có diễn biến chênh lệch rất lớn.
Không khó để thấy trước năm 2021, mặc dù doanh thu SJC luôn vượt PNJ, tuy nhiên lãi sau thuế lại bị PNJ bỏ xa một khoảng cách rất lớn. Lần đầu tiên SJC ''thất thế'' trước PNJ là từ năm 2014, kể từ đó đến nay lãi sau thuế luôn có xu thế đi ngang và giảm xuống, trong khi PNJ không ngừng trăng trưởng và lập đỉnh lợi nhuận vào năm 2019.
Năm 2021, SJC chỉ đạt lợi nhuận sau thuế khiêm tốn là 43 tỷ đồng, trong khi PNJ đạt lợi nhuận sau thuế 1.033 tỷ đồng, cao gấp 24 lần. Nếu tính trung bình, mỗi tháng PNJ thu lãi khoảng 86 tỷ đồng, tương đương với việc lợi nhuận sau thuế cả năm qua của SJC chỉ bằng khoản lãi thu được trong nửa tháng kinh doanh của PNJ.
Về việc lợi nhuận sụt giảm, trong Báo cáo tài chính, SJC giải thích đại dịch Covid-19 lây lan khiến giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Trong năm qua, SJC đã đóng cửa một số cửa hàng và chi nhánh hoạt động không hiệu quả.
Trong khi đó, theo đánh giá của các CTCK, PNJ vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới nhờ nhu cầu đối với trang sức có thương hiệu ngày càng gia tăng, PNJ không có đối thủ lớn trong mảng bán lẻ trang sức có thương hiệu tại Việt Nam và PNJ đang mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực giàu tiềm năng khác như đồng hồ,...
Trên sàn giao dịch, cổ phiếu PNJ tính đến phiên 22/4 ở mức 115.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa 28.123 tỷ đồng.