Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa trải qua một năm đầy biến động với nhiều bước ngoặt và sự thay đổi nhằm hướng tới thế mạnh và khả năng bứt phá trong tương lai. Nhiều dự án khổng lồ đã dừng lại, thay vào đó là những trọng điểm.
CTCP Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố chiến lược đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ và phát triển các điểm đến hàng đầu thế giới.
Theo đó, Vinpearl xác định vui chơi giải trí là mũi nhọn phát triển nhanh và mạnh. Thương hiệu Vinpearl Land được đổi tên thành VinWonders với quy mô và tầm vóc vượt trội, sánh vai với các quần thể giải trí lớn tại Hongkong, Singapore, Nhật Bản… Đồng thời, mời các thương hiệu quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới tham gia quản lý một số khách sạn trong chuỗi nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho du khách trong nước và quốc tế.
Đây là một bước đi tiếp theo trong chiến lược mà Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đưa ra hồi tháng 8/2018 với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
Cuối 2019, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã từ bỏ mảng bán lẻ, bán cho Masan của ông Nguyễn Đăng Quang. Vingroup cũng thôi không tiếp tục dự án hàng không Vinpearl Air. Vingrop đã giải thể VinPro, sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID…Tất cả là để dồn cho lĩnh vực công nghệ-công nghiệp cần nhiều vốn và cho thế mạnh du lịch.
Vingroup cũng thực hiện các thương vụ bán buôn tại các đại dự án bất động sản lớn cho các đối tác trong và ngoài nước để có những món tiền lớn như 80% Grand Park giai đoạn 2 cho đối tác ngoại thu 1 tỷ USD tại TP.HCM, hay các khu đất tại Vinhomes Smart City tại Hà Nội.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham vọng xây dựng thành công 1 tập đoàn với trọng điểm là công nghệ-công nghiệp và dịch vụ đẳng cấp quốc tế. |
Ở mảng thiết bị thông minh, Vingroup đã ra mắt một số loại TV và đặc biệt thành công với một số sản phẩm smartphone mức giá bình dân trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất Trung Quốc gặp khó khăn trong sản xuất vì dịch bệnh Covid-19.
Những bước đi gần đây của ông Vượng khiến không ít nhà đầu tư lo lắng về tình hình sức khỏe tài chính của Tập đoàn Vingroup trước những dự án cần vốn tỷ USD như ô tô xe máy VinFast, thiết bị thông tin Vsmart…
Nhóm cổ phiếu Vingroup cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây khiến tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tụt xếp hạng giàu nhất hành tinh.
Đợt giảm giá kéo dài của nhóm cổ phiếu Vingroup, bao gồm Vingorup (VIC), Vinhomes (VHC) và Vincom Retail (VRE)… đã khiến ông Phạm Nhật Vượng rớt khỏi Top 200 người giàu nhất hành tinh hồi giữa tháng 12 năm ngoái và giờ đây ra khỏi top 250.
Bước vào một lĩnh vực mới, khó khăn là khó tránh khỏi. Chiến lược mới có thể mang tới cho doanh nghiệp của ông Vượng những khó khăn lớn về vốn cũng như niềm tin của nhà đầu tư, nhưng cũng có thể sẽ là thành công lớn trong tương lai.
Trước đó, Vingroup cũng đã bắt đầu nhảy vào những lĩnh vực lớn như: dữ liệu lớn (big data) và trí thông minh nhân tạo (AI), cam kết tiếp nhận 100.000 sinh viên CNTT trong 10 năm tới…
Dù vậy, thế mạnh cũng Vingroup còn khá vững chắc. Mảng bất động sản vẫn là cỗ máy in tiền cho tập đoàn này. Gần đây, Vingroup mới dự tính đầu tư 2 dự án tổng diện tích hơn 800ha ở Vũng Tàu đã khiến giá đất ở đây tăng vọt, tạo ra một cơn sốt lớn chưa từng có ở khu vực này.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 20/1 chỉ số VN-Index tăng nhẹ trở lại. Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi phục. Vingroup tăng phiên thứ 2 liên tiếp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến khá tích cực sau thông tin tốt 2019 và khả năng lọt mắt xanh của các NĐT châu Âu sau hiệp định EVTFA.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.
Theo Mirae Asset Việt Nam – MASVN, VN-Index quay lại điểm định vùng 930 điểm trong phiên hôm qua, tuy nhiên áp lực bán vẫn thắng thế và mạnh hơn so với bên mua ở hầu hết thời gian trong phiên nên khiến cho VN-Index không duy trì trên mốc 930 điểm. Xu hướng trong ngắn hạn vẫn là xu hướng giảm điểm, bên cạnh đó ngày mai sẽ là ngày hợp đồng phái sinh VN30F2002 đáo hạn khiến cho thị trường sẽ có nhiều biến động. MASVN vẫn sẽ tiếp tục duy trì khuyến nghị tỷ trọng cổ phiếu thấp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/2, VN-Index tăng 0,83 điểm lên 928,76 điểm; HNX-Index giảm 0,78 điểm xuống 109,3 điểm. Upcom-Index tăng 0,15 điểm lên 56,4 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 4,0 ngàn tỷ đồng.
V. Hà