Nếu như trước đây, đa phần người Việt chỉ có thể chiêm ngưỡng hai mẫu xe sang của VinFast qua hình ảnh trên mạng hay video tại triển lãm xe quốc tế Paris Motor Show thì chiều ngày 20/11, khán giả Hà Nội đã có dịp quan sát tận mắt. Ngoài hai mẫu sedan Lux SA và SUV Lux A, VinFast cũng chính thức giới thiệu mẫu xe ô tô cỡ nhỏ Fadil, đồng thời mở bán và nhận đơn đặt hàng cho các sản phẩm này.
Nếu hai dòng xe Lux SA và SUV Lux A nhắm tới phân khúc cao cấp thì Fadil là dòng xe đô thị giá rẻ, được phát triển từ mẫu Opel Karl Rocks của châu Âu. Theo tiết lộ của ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm TGĐ tập đoàn Vingroup tại lễ ra mắt, Fadil có giá bán 423 triệu đồng (chưa bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, trong thời gian đầu để khuyến khích đồng bào cùng chung tay xây dựng thương hiệu Việt – niềm tự hào Việt Nam thì Fadil có mức giá khá "mềm", chỉ 336 triệu đồng.
Mẫu xe sedan và SUV của VinFast tại lễ ra mắt ngày 20/11.
Trong khi VinFast đã tiến những bước rất xa khi đưa các mẫu xe của mình ra tận đấu trường thế giới, đa dạng các dòng sản phẩm từ sedan, đến SUV rồi hardback thì "người tiên phong" Vinaxuki ngày nào giờ vẫn chỉ là mô hình hardback 4 chỗ chưa hoàn thiện.
Câu chuyện của Vinaxuki bắt đầu vào khoảng những năm 2008, 2009, khi hãng xe này xác định hướng tới nội địa hoá ô tô con sau khi đã thành công với mô hình xe tải. Mong muốn tạo ra những chiếc xe chất lượng tốt nhưng giá rẻ cho người Việt, chủ tịch Bùi Ngọc Huyên mời các chuyên gia Nhật Bản, Châu Âu đến chuyển giao công nghệ sau đó Vinaxuki tự làm mọi công đoạn từ thiết kế, sản xuất khuôn mẫu, rập, hàn đến sơn, lắp ráp,...
Năm 2012, chiếc xe hơi "made in Vietnam"với tên gọi VG (Duyên dáng Việt Nam - Vietnam Graceful) lần đầu tiên ra mắt công chúng tại triển lãm Giảng Võ. Đến năm 2014, một phiên bản khác tiếp tục được ông Huyên đưa tới Vietnam AutoExpo cũng tổ chức ở triển lãm Giảng Võ. Theo chia sẻ của chủ tịch Vinaxuki ngày đó, cả 2 mẫu xe đều có phần thân vỏ do họ tự sản xuất, vì thế tỷ lệ nội địa hoá lên tới 50%.
Mẫu xe VG của Vinaxuki xuất hiện năm 2012.
Giá của các mẫu xe cũng được xác định trong khoảng 200-300 triệu đồng tuỳ theo dung tích động cơ. Ví dụ, loại 1,5l được bán ở mức 300 triệu đồng trong khi loại 1,1l, 1,2l sẽ rơi vào tầm 200 triệu đồng.
Tuy nhiên vì đầu tư công nghệ cao, lại không may gặp khủng hoảng kinh tế nên Vinaxuki bắt đầu rơi vào thua lỗ. Ngân hàng từ chối tái cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn thành dài hạn đồng thời tiến hành bán nợ xấu. Việc này khiến Vinaxuki không thể vay vốn lưu động để sản xuất tiếp được nữa, buộc phải đóng cửa nhà máy.
Đến nay, khu nhà xưởng của Vinaxuki tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội đã hoàn toàn hoang vắng, gỉ sét. Mẫu xe VG được trưng bày tại triển lãm Giảng Võ ngày nào vẫn chưa được lắp đầy đủ nội thất dù đã chạy thử hơn 20.000 km.
Khu nhà xưởng hoàn toàn đóng cửa của Vinaxuki.
Mẫu xe VG vẫn chưa hoàn thiện phần nội thất.
Với khoản nợ ngân hàng vẫn còn trên 1.000 tỷ đồng, máy móc dần hao hụt, công nhân bỏ đi hết, khả năng để xe hơi "made in Vietnam" của Vinaxuki tiếp tục được sản xuất và lăn bánh gần như là con số 0.