Nhà đồng sáng lập và CEO của Airbnb, Brian Chesky cho biết ông đã nói rõ với toàn bộ nhân viên cũng như các nhà đầu tư rằng Airbnb sẽ niêm yết công ty trên sàn chứng khoán vào năm 2020, bất chấp việc các thương vụ IPO của các startup công nghệ mang lại những kết quả trái chiều trong năm nay.
Tuy nhiên, Chesky cho biết ông sẽ không phạm phải những sai lầm mà WeWork, cũng như nhà đồng sáng lập Adam Neumann, đã mắc phải khi quyết định đưa “con cưng” của mình lên sàn chứng khoán.
Sau khi WeWork chính thức xin rút lại hồ sơ IPO hồi tháng 9 vừa qua, SoftBank đã đồng ý mua lại phần lớn cổ phần của công ty, và hệ quả là Neumann phải rời bỏ startup do chính mình sáng lập.
Từ một kỳ lân công nghệ được định giá lên đến 47 tỷ USD, giờ đây giá trị của WeWork ước tính chỉ còn hơn 1/10 so với trước kia.
Hôm 8/11, WeWork cũng tuyên bố rằng công ty sẽ có những thay đổi trong hình thức hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm việc bán các mảng không thuộc lĩnh vực cốt lõi của mình (trong đó có cả khoản đầu tư vào The Wing) và cắt giảm số lượng nhân viên.
Nhà đồng sáng lập và CEO của Airbnb, Brian Chesky. Ảnh: Mike Cohen/ The New York Times |
Trong hội thảo DealBook tổ chức bởi The New York Time hôm 6/11 vừa qua, Chesky cho biết ông đã tìm ra 2 nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của WeWork.
Không phải công ty công nghệ nào cũng giống nhau
Không lâu sau khi WeWork chính thức nộp đơn xin IPO hồi tháng 8 năm nay, công ty đã vấp phải rất nhiều hoài nghi về tình hình tài chính của mình cũng như khoản giá trị ước tính bị thổi phồng một cách phi lý.
Ví dụ, Financial Times cho biết trong tháng 7, mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước và được định giá rất cao, công ty khởi nghiệp 9 năm tuổi này lại đang đối mặt với tình trạng “chảy máu” tiền mặt với tốc độ lên đến 219.000 USD/giờ. Hơn thế nữa, trong năm 2018, công ty tiết lộ rằng các khoản thua lỗ và doanh thu của họ đều gấp đôi so với một năm trước đó, ở mức lần lượt là 1,9 và 1,8 tỷ USD. Theo Financial Times, trong khi WeWork thu về 3 tỷ USD doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2019, công ty vẫn phải chịu khoản lỗ lên đến 700 triệu USD trong cùng khoảng thời gian đó.
Theo Chesky, bài học đầu tiên ở đây là không phải công ty công nghệ nào cũng giống nhau. Một vài công ty xứng đáng là một khoản đầu tư đáng giá, nhưng một vài công ty khác thì không.
“Cách tốt nhất để đánh giá điều này là dựa trên lợi nhuận ròng của công ty đó. Một vài doanh nghiệp như Microsoft hoặc một số các công ty công nghệ lớn khác thu về các khoản lợi nhuận rất cao.
Tuy nhiên, không thể kể đến nhiều công ty có lợi nhuận rất thấp. Và tôi nghĩ đó là bài học đầu tiên chúng tôi đúc rút được từ trường hợp của WeWork”, Chesky cho biết.
Trong trường hợp của WeWork, mô hình kinh doanh chính của họ là thuê hoặc mua lại mặt bằng sau đó chia nhỏ thành nhiều không gian làm việc khác nhau để cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc các công ty khởi nghiệp thuê lại. Đó là một mô hình có biên lợi nhuận rất thấp. Điều đó có nghĩa là doanh thu họ thu về cao tương đương với mức chi phí họ bỏ ra.
Nhiều người coi WeWork là một công ty bất động sản hơn là một công ty công nghệ. Nhưng công ty này luôn hướng mình tới mục tiêu là một công ty công nghệ. Trong năm 2014, Neumann từng chia sẻ rằng “WeWork cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng cũng giống như Uber cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe hơi vậy, và Airbnb cho thuê căn hộ”. Và như trong nội dung của bộ hồ sơ xin thực hiện IPO, WeWork đã nhắc đến từ “công nghệ” đến 123 lần, theo CBInsights.
|
Theo CEO Airbnb, WeWork là một công ty bất động sản hơn là một công ty công nghệ. Ảnh: Reuters |
Các nhà sáng lập nên thận trọng với hành động của mình
Chesky thành lập Airbnb vào năm 2008 khi mới vừa tròn 26 tuổi. Ông cho biết bài học thứ 2 mà mình đã rút ra được là các nhà sáng lập phải thật sự cẩn trọng trong từng đường đi nước bước của mình.
“Tôi từng nhận được nhiều lời khuyên rằng: hãy tưởng tượng những thứ bạn làm sẽ xuất hiện trên trang nhất của tờ The New York Times, vì rất có thể một ngày điều đó sẽ thực sự xảy ra”, Chesky cho biết.
Đó là điều thực tế đã xảy ra với Neumann, nhà đồng sáng lập WeWork vào năm 2010 khi mới chỉ 30 tuổi.
Hôm 9/11 vừa qua, tờ The New York Times đã đăng một bài viết trên trang nhất với tiêu đề “Adam Neumann và tinh thần không chịu khuất phục”. Nội dung bài báo đề cập đến việc Neumann có một vài quyết định không mấy phù hợp khi cho lắp đặt một nhà tắm hơi sử dụng tia hồng ngoại và một hồ bơi trong văn phòng của chính mình tại Manhattan. Tất cả các khoản mua sắm đó đều được chi trả bằng tiền của công ty.
Theo Wall Street Journal, Neumann đã kiếm được hàng triệu USD khi cho chính WeWork thuê lại tòa nhà mà anh nắm quyền sở hữu một phần. Không những thế, Neumann còn kiếm được khoảng 700 triệu USD khi bán các quyền chọn mua cổ phiếu trong tương lai trước khi công ty đệ đơn xin được IPO.
Neumann cũng bị phê phán với biệt danh “dân chơi” khi sử dụng nhiều loại chất kích thích và có cách hành xử thiếu văn hóa.
Chesky cho biết các nhà sáng lập đôi khi quên mất rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình làm, và do đó họ cần suy nghĩ, xem xét vấn đề một cách vô cùng kỹ lưỡng.
“Thật dễ dàng để một người có thể mắc sai lầm khi đánh giá quá thấp trách nhiệm của mình đang nắm giữ. Phần lớn mọi người đều không muốn nắm trong tay quá nhiều trách nhiệm. Bạn có một ý tưởng. Bạn thực hiện thực hóa nó, rồi một ngày, những thứ bạn có chỉ là sự nịnh hót”, Chesky chia sẻ trong hội nghị DealBook.
Chesky cho biết anh đã học được rằng mọi người sẽ nói những thứ “trên trời về bạn”, cả tích cực lẫn tiêu cực, khi mà công ty của bạn đang trên đà “cất cánh”. Nhưng Chesky luôn luôn nhớ trong đầu quan điểm mà anh đã được chia sẻ trước đó “Bạn chẳng giỏi như những gì người ta nghĩ về bạn. Bạn cũng chả kém cỏi đến mức đó. Vì thế, hãy tìm ra điểm cân bằng giữa hai yếu tố đó”.
Chesky cho biết với tư cách là nhà sáng lập của Airbnb, công ty đang được định giá xung quanh 35 tỷ USD, ông nhận ra rằng mình có trách nhiệm ngày càng lớn không chỉ đối với toàn thể công ty, mà còn là trách nhiệm biến công ty thành một hình mẫu cho toàn thế giới.