Giải mã bí mật của Dubai
Cách đây hơn 40 năm, ngay cả khi nằm trên cả một kho vàng đen thì Dubai khi đó vẫn chỉ một đụn cát giữa sa mạc còn người dân sống dựa chủ yếu vào việc chăn nuôi cừu. 40 năm sau, Dubai lột xác thành một biểu tượng số một của xa hoa. Những khu nghỉ dưỡng 7 sao, những hòn đảo nhân tạo "mọc" lên giữa sa mạc. Xe siêu sang tràn ngập trên phố, Rolls Royce, Lamborghini, Ferrari… không đâu trên thế giới nhiều như ở Dubai.
Dubai trở thành một trong những miền đất hứa của xa xỉ. Đồng hồ triệu đô, hàng hiệu Louis Vuitton, Fendi, Chanel… ẩn sau những lớp áo choàng là chuyện bình thường ở Dubai... Sự xa hoa của Dubai cho đến nay vẫn cứ luôn là hình mẫu thành công trong hoạch định và phát triển một mô hình kinh tế.
Thâm Quyến, trước thập niên 80 là một làng chài nghèo nàn lạc hậu. Tháng 8/1980, Thâm Quyến bước vào công cuộc đại cải tổ với khái niệm "đặc khu kinh tế". Với khẩu hiệu "Mỗi ngày 1 cao ốc, 3 ngày 1 đại lộ", chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, nơi này đã lột xác trở thành một siêu đô thị hiện đại với một loạt tòa nhà chọc trời như trung tâm tài chính cao cấp Ping An (cao thứ 4 thế giới – 599m), tòa nhà Kingkey 100 (cao thứ 14 thế giới -442m), sân bay kết nối với hầu hết thế giới, trụ sở của một loạt các công ty công nghệ lớn tầm cỡ thế giới như Tencent, Huawei, DJI… Từ chỗ là công xưởng của những ngành nghề hàm lượng chất xám thấp, nay Thâm Quyến đã trở thành "thung lũng Silicon của châu Á".
Theo báo cáo, GDP năm 2016 của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD, tổng sản lượng kinh tế vượt cả Bồ Đào Nha và Cộng hòa Ireland. Thậm chí, chỉ 3 quý đầu 2017, theo tờ Bưu điện Hoa Nam, sản lượng kinh tế nơi này đã đạt 233 tỷ USD, thấp hơn Hồng Kông 15 tỷ USD. Đằng sau sự phát triển thần tốc của Thâm Quyến là cả một kho kinh nghiệm và bài học về đổi mới và phát triển.
Incheon, trước khi bước vào công cuộc đổi mới chiến lược vốn là một làng chài nghèo của Nam Hàn. Năm 2003, Incheon được hoạch định để trở thành một mô hình kinh tế kiểu mới của Hàn Quốc. Ngay lập tức, tiềm năng cùng với sự định hướng đúng đắn, Incheon trở thành "thỏi nam châm" thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Viện nghiên cứu Economics Anh quốc đánh giá, Incheon là thành phố có tiềm năng phát triển lớn thứ hai trên thế giới tới năm 2025. Năm 2014, tổng đầu tư vào đặc khu kinh tế tự do này đạt gần 55 tỷ USD. Incheon của hiện tại là một trung tâm phát triển logistics, kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và giải trí hàng đầu Đông Bắc Á…
Dubai, Thẩm Quyến, Incheon mới chỉ là ba trong số rất nhiều mô hình kinh tế đặc biệt mà gọi tắt là đặc khu kinh tế. Điều đáng nói ở chỗ, sự thành công cùng những bứt phá ngoạn mục của ba nền kinh tế này đã trở thành tâm điểm để thế giới hình thành nên khoảng 4.500 các đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vậy đâu là chìa khóa để các vùng đất nghèo khó này trở thành những tượng đài kinh tế?
Những chính sách ưu đãi vượt trội thu hút nhà đầu tư chiến lược
Để thay đổi và thúc đẩy tư duy của một mô hình kinh tế, những chính sách ưu đãi và đặc biệt là sự thay đổi về thể chế là điều đầu tiên phải nhắc đến. Saudi Arabia chẳng hạn. Vương quốc này cuối năm 2017 vừa xong dự án khu kinh tế độc lập với phạm vi kéo dài 470km dọc bờ biển Đỏ cùng số vốn đầu tư lên tới 500 tỷ USD. Khu kinh tế này có tên NEOM. Saudi Arabia ưu đãi đặc khu này đến mức, NEOM sẽ không bị tác động bởi các quy định luật pháp hiện tại của Saudi Arabia mà sẽ vận hành theo "khung pháp lý riêng".
Đây là một điển hình mới nhất của những chính sách ưu đãi dành cho đặc khu kinh tế. Thâm Quyến cũng vậy. Trở thành đặc khu đầu tiên của Trung Quốc cũng đồng nghĩa, nơi này nhận được một loạt ưu ái và hậu thuẫn từ phía chính quyền. Để xây dựng "phòng thí nghiệm" khổng lồ, Thâm Quyến được phép chủ động triển khai kế hoạch phát triển, mức thuế và cả phạm vi hoạt động để có thể thu hút vốn đầu tư cũng như công nghệ nước ngoài. Thậm chí các nhà hoạch định chiến lược của Thâm Quyến đã kí những thương vụ đầu tư với công ty nước ngoài ngay cả khi vượt cấp. Họ cũng chủ động xây dựng khung pháp lý phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp quốc tế…
Trong nhiều năm qua, các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc và Châu Á đã sử dụng rất hiệu quả chính sách thuế "miễn 2 năm đầu, giảm một nửa trong 3 năm tiếp theo". Công viên Logistics sân bay của Singapore là một ví dụ điển hình về việc quy định hải quan có thể được tự do hóa như thế nào để kích thích sự phát triển của ngành logistics hàng không.
Để phát huy tối đa tiềm lực của một vùng kinh tế, bên cạnh sự táo bạo trong đổi mới thì những ưu tiên từ phía chính quyền là điều không thể phủ nhận. Bởi chỉ khi có chính sách ưu đãi, sự cởi mở, táo bạo trong đầu tư mới đủ thu hút nhà đầu tư chiến lược. Khi đó, vốn, nguồn lực, sự đổi mới sẽ là nhân tố "kích hoạt" những tiềm năng vốn có của một vùng đất.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Việc chọn 3 địa điểm: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để thí điểm đặc khu là phù hợp. Mỗi địa điểm đều có một yếu tố để hướng tới sự phát triển mang tới tính đặc thù.
Phú Quốc mang tính đặc trưng cho phát triển du lịch và là một điểm nhấn có thể cạnh tranh với các trung tâm du lịch trong khu vực.
Khi chọn Vân Phong trước đây cũng đã bàn rất nhiều. Ở đây hướng tới sự phát triển lâu dài, hình thành một cảng nước sâu và các dịch vụ khác. Với quy mô lớn như vậy, nó sẽ hình thành một đô thị phát triển trong tương lai, tạo thành điểm nhấn để phát triển khu vực miền Trung.
Hay Vân Đồn có một đặc điểm như bán đảo. Hiện có một số công trình đầu tư, tôi cho rằng nếu phát triển kinh tế đặc khu thì những dự án đang phát triển hiện nay sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào, do đó sẽ tạo thành điểm nhấn ở một cực phía Bắc. Vì vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn trước mắt ở 3 địa điểm như vậy, với quy mô phát triển như vậy là phù hợp.