Hầu như ít người phủ nhận nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô lớn không kém gì nghỉ dưỡng biển, nhưng như một nghịch lý đã tồn tại suốt nhiều năm qua, trong khi bất động sản du lịch biển bùng nổ khắp mọi nơi thì bất động sản nghỉ dưỡng ven đô vẫn đủng đỉnh.
Thực tế, thị trường nhà nghỉ dưỡng ven đô còn phát triển trước khi có làn sóng đầu tư bất động sản du lịch biển. Chỉ có điều, nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô trước đây phần lớn mang tính tự phát, người Hà Nội rủng rỉnh tiền bạc tậu trang trại, nhà vườn ở vùng ven như một thú chơi và nghỉ ngơi cuối tuần. Phong trào này dần vắng bóng một phần vì thế hệ trước đã có tuổi và ngại đi lại, nhưng nguyên nhân chính là do trang trại ven đô thường xuyên để trống và phải thuê người coi sóc.
Bất cập của dự án nghỉ dưỡng ven đô
Khi bất động sản nghỉ dưỡng biển bùng nổ thì vùng núi đồi ven đô như huyện Ba Vì của Hà Nội hay huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn của tỉnh Hoà Bình cũng xuất hiện một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù không có quy mô hoành tráng và vận hành bài bản như các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển nhưng những dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô vẫn thanh khoản tốt.
Vấn đề ở chỗ, phần lớn những dự án này vẫn chỉ là "ngôi nhà thứ hai" chứ chưa mang lại dòng tiền từ cho thuê như bất động sản nghỉ dưỡng biển. Vì thế, sức hút của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô vẫn lép vế.
Ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc công ty H&K Hospitality cho rằng, một trong những điểm yếu của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô là mới tập trung thoả mãn nhu cầu mua nhà nghỉ dưỡng chứ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Khách du lịch thích trải nghiệm và khám phá văn hoá địa phương nhưng các dự án nghỉ dưỡng ven đô không có nét độc đáo riêng biệt, không có cái "văn hoá" ở đó, nên không thu hút được khách du lịch. Đó là chưa kể vấn đề quản lý vận hành thiếu chuyên nghiệp dẫn đến tình trạng vắng khách.
Tuy nhiên, một số chủ đầu tư cũng nhanh chóng nhận ra được bất cập của những khu nghỉ dưỡng ven đô và đang tạo ra một "cuộc cách mạng" mới ở thị trường này để không chỉ thoả mãn nhu cầu nghỉ dưỡng ở đẳng cấp cao mà còn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Ông Phạm Hà, nhà sáng lập Lux Group cho biết, nếu như trước đây các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô chỉ chăm chăm xây nhà để bán thì hiện nay đã bắt đầu biết xây trải nghiệm nhằm mang đến những ký ức độc đáo cho khách du lịch.
Lý do là vì, nhu cầu của khách du lịch đang thay đổi, họ muốn có trải nghiệm độc đáo tại điểm đến và mang về những ký ức nên khi phát triển một cơ sở lưu trú cần phải thổi hồn vào nó để khách có lý do đến khám phá và trải nghiệm, chứ không đơn thuần là cứ xây lên là sẽ có khách.
Ông Phạm Hà, nhà sáng lập Lux Group: " Nhu cầu của khách du lịch đang thay đổi, họ muốn có trải nghiệm độc đáo tại điểm đến và mang về những ký ức nên khi phát triển một cơ sở lưu trú cần phải thổi hồn vào nó"
Bước đột phá mới
Ông Hà cho biết đã tư vấn ý tưởng cho một khu nghỉ dưỡng nằm gần chùa Bái Đính và di sản Tràng An ở Ninh Bình và nhắm đến khách Âu và khách Việt trung lưu trở lên. Để níu chân khách 2-3 đêm thay vì đi về Hà Nội trong ngày, khu nghỉ được xây dựng với vật liệu thân thiện môi trường, chất liệu tái chế, tập trung vào ẩm thực, dậy thiền, dậy nấu ăn và kết nối văn hoá địa phương rồi mới khám phá các địa danh xung quanh.
Không chỉ lựa chọn vị trí độc đáo giữa vùng rừng núi và hồ nước xanh mướt, một số khu nghỉ dưỡng ở Hoà Bình còn lựa chọn những thiết kế tinh tế để không chỉ thể hiện đẳng cấp và địa vị của khách hàng mua bất động sản mà còn mang lại những trải nghiệm độc đáo cho khách du lịch. Điển hình như khu nghỉ dưỡng Sakana Spa & Resort tại Hồ Dụ, huyện Kỳ Sơn đã khiến khách hàng "ồ, à" kinh ngạc khi đưa ra mẫu biệt thự được thiết kế dựa trên hai hình ảnh truyền thống của người nông dân là chiếc nơm và nón lá.
Ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc công ty Greenscape tiết lộ, chủ đầu tư Sakana Spa & Resort đã đặt đề bài hết sức hóc búa là làm sao tạo nên một khu nghỉ dưỡng 5 sao đậm dấu ấn Việt, thân thiện với người dùng và gần gũi với thiên nhiên, không chỉ có sức hấp dẫn đối với khách mua bất động sản và khách thuê nghỉ dưỡng đến từ Hà Nội mà còn thu hút được cả khách quốc tế đến Hà Nội muốn tìm hiểu văn hoá địa phương.
Chính vì thế, hình tượng chiếc nơm cá và chiếc nón lá không chỉ tái hiện các kiến trúc đặc trưng mà còn mang đến một ấn tượng rất Việt. Tất nhiên, các kiến trúc sư cũng phải tính toán kỹ lưỡng thiết kế kết cấu cũng như nội thất để đảm bảo vẫn đậm chất Việt nhưng đáp ứng được tiêu chuẩn nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế.
Với "cuộc cách mạng" ngay từ khâu quy hoạch thiết kế và tiếp đến là khâu quản lý vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế và sự xuất hiện của những tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng thế giới và khu vực, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô được kỳ vọng sẽ là "con gà đẻ trứng vàng" cho nhà đầu tư với mức sinh lời không thua kém bất động sản nghỉ dưỡng biển.