Cuối tháng 11, Hoà Phát đã khởi công nhà máy sản xuất Container tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, với công suất 500.000 TEU (đơn vị tương đương container dài 20 feet) mỗi năm. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 180.000 - 200.000 TEU/năm, dự kiến cho ra sản phẩm từ quý II/2022.
Là nhà máy đầu tiên sản xuất container tại Việt Nam, Hoà Phát phải bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị sản xuất này từ con số 0. Ngoài vật liệu thép "cây nhà lá vườn", Hoà Phát phải tuyển nhiều doanh nghiệp vệ tinh cung cấp sản phẩm sản xuất container. Ván lót sàn container là sản phẩm quan trọng thứ hai để sản xuất container chỉ sau các sản phẩm thép. Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt tham gia sản xuất sản phẩm này cho Hoà Phát, công ty đã đi tiếp xúc với tất cả các doanh nghiệp sản xuất ván lót sàn bằng gỗ và tre, tài trợ kinh phí làm sản phẩm mẫu, chi phí gửi đi thử nghiệm tại Trung Quốc. Nếu như sản phẩm đạt thì sẽ đàm phán giá cả và đạt thoả thuận có thể tiến tới hợp tác cung cấp sản phẩm cho chuỗi giá trị sản xuất container của Hoà Phát vào năm sau.
Công đoạn tuyển chọn các doanh nghiệp vệ tinh diễn ra âm thầm vì chưa có kết quả, song thời gian qua lãnh đạo SJF liên tục thông tin về việc làm sản phẩm ván lót sàn cung cấp cho Hoà Phát. Cổ phiếu SJF cũng tăng trần, giảm sàn chóng mặt, vừa qua SJF có 10 phiên giảm sàn tắc thanh khoản khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Trí Thiện có trả lời trên truyền thông rằng lý do của sự biến động mạnh của cổ phiếu có thể là do dòng tiền của các nhà đầu tư đã vừa đầu tư và "đầu cơ" theo tin tức về việc Sao Thái Dương có thể sẽ cung cấp sản phẩm sàn container bằng tre cho Tập đoàn Hoà Phát.
Liên quan đến việc hợp tác với Hoà Phát, ông Thiện cho biết, Sao Thái Dương đã làm việc với Tập đoàn Hoà Phát từ 1 năm trước đây để phát triển sản phẩm sàn container bằng tre.
Sao Thái Dương đã cung cấp sản phẩm mẫu lần 1 cho Hoà Phát, tuy nhiên mẫu này chưa đạt. Lý do chưa đạt là vì Sao Thái Dương đã sử dụng công nghệ ép khối, là công nghệ mà Sao Thái Dương đang làm để tận dụng các máy móc thiết bị có sẵn. Ở lần 2, Sao Thái Dương đã mua máy làm nguyên liệu mới để làm mẫu dạng composite đúng theo phương pháp của Trung Quốc đang làm. Phương pháp này giúp cho sản phẩm chịu lực tốt hơn, tuy nhiên lại làm quy trình sản xuất phức tạp hơn. Mẫu lần 2 này đã được Tập đoàn Hoà Phát gửi đi test theo tiêu chuẩn quốc tế và dự kiến sẽ có kết quả khoảng giữa tháng 12.
"Chúng tôi tin tưởng là lần test này sẽ đạt vì phương pháp sản xuất đã giống 90% so với phương pháp sản xuất đang được thực hiện ở Trung Quốc. Nếu thành công chúng tôi sẽ làm việc với Tập đoàn Hoà Phát về công suất sản xuất và thời điểm giao hàng. Nếu chưa thành công, Sao Thái Dương tiếp tục hoàn thiện sản phẩm mẫu và cung cấp mẫu lần 3", ông Thiện cho biết.
Về hướng hợp tác với Tập đoàn Hoà Phát, Sao Thái Dương khẳng định, khi sản phẩm đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế, Sao Thái Dương không mong muốn Hoà Phát đầu tư trực tiếp hay M&A nhà máy.
Tin đồn Sao Thái Dương M&A với Hoà Phát là không đúng sự thật
Về hợp tác với Sao Thái Dương, trao đổi với chúng tôi ông Vũ Đức Sính- Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Container Hòa Phát cho biết tập đoàn làm gì cũng minh bạch để không làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư.
"Tôi không biết công ty Sao Thái Dương là ai mà chỉ lên xưởng sản xuất của BWG Mai Châu. Trong sản phẩm container đòi hỏi sản phẩm ván sàn bằng gỗ. Trong sản phẩm container nguyên liệu này quan trọng chỉ sau thép thôi. Hiện nay Việt Nam mình chưa có công ty nào sản xuất container nên chưa có sản phẩm này chỉ một vài công ty đang làm dịch vụ sửa chữa, mà sửa chữa thì yêu cầu ở mức thấp. Tất cả công ty làm về gỗ chúng tôi đều tiếp xúc, đã gửi thông tin mong muốn họ làm mẫu và nâng cấp sản phẩm để đạt được tiêu chuẩn cho container mới. Nếu đạt chuẩn 100% và giá cả phù hợp, đảm bảo công suất sản lượng chúng tôi sẽ hợp tác đặt hàng", ông Sính nói.
Theo vị Giám đốc này, hiện Trung Quốc hiện nay có nhiều loại, một loại 100% bằng gỗ, một loại gỗ kết hợp với tre, loại thứ 3 là 100% bằng tre. Ở Việt Nam có tiềm năng gỗ và tre rất nhiều, Hoà Phát muốn tạo điều kiện cho công ty trong nước phát triển, tham gia vào chuỗi sản xuất của Hoà Phát. Qua tìm hiểu, có một số doanh nghiệp Việt sản xuất các sản phẩm bằng tre cho nội thất, không phải công nghệ ván lót sàn container.
"Chúng tôi có truyền đạt lại nguyện vọng cho các doanh nghiệp đó nếu họ hứng thú có thể tham gia làm sản phẩm thử nghiệm nếu đạt tiêu chuẩn, giá hợp lý, sản lượng khi đó Hoà Phát sẽ đặt hàng.
Trong số các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bằng tre, tôi đã tiếp xúc hết, có công ty BWG Mai châu, họ đang làm các sản phẩm ván lót đường, nội thất bằng tre…Hoà Phát có chi trả toàn bộ tiền làm mẫu sản phẩm để khuyến khích họ làm. Tuy nhiên mẫu hiện chưa đạt yêu cầu", ông Sính nói.
Ông Sính khẳng định việc họ đang làm mẫu cho Hoà Phát là có, nhưng chưa đạt. Việc chưa đạt mẫu nên những việc đàm phán về hợp tác là không có. Khi nào đạt được xong mẫu, phải đàm phán giá cả, đầu tư mua máy móc sản xuất sản lượng lớn theo yêu cầu mới ký hợp đồng. Lúc đó Hoà Phát sẽ là người công bố chứ không phải doanh nghiệp công bố.
"Hoà Phát đi đầu trong lĩnh vực sản xuất container tại Việt Nam nên mong muốn các doanh nghiệp Việt cũng tham gia vào chuỗi giá trị này. Hiện nay chúng tôi không còn giao dịch với SJF vì sản phẩm chưa đạt và cũng không còn tài trợ chi phí làm mẫu cho MWG Mai Châu làm sản phẩm mẫu và chi phí gửi đi test lấy mẫu nữa. Hiện đã có 2 công ty làm mẫu ván sàn container cho Hoà Phát và một công ty đã đạt kết quả 100%", ông Sính thông tin.
Sau khi tiếp xúc với Hòa Phát, một công ty là Thiên Đức Phát đã quyết định đầu tư nhà máy mới công suất 30.000 m3/năm. Đối tác thứ 2 là Tekcom có tiềm năng về sản xuất ván ép lớn, đang sản xuất ván ép làm hàng nội thất và cốt pha, là đơn vị có mẫu ván lót sàn container đạt chuẩn, cũng đã lên kế hoạch mua sắm dây chuyền sản xuất mới làm ván sàn cung cấp cho Hòa Phát với công suất khoảng 40.000 m3/năm.
Lịch ử giá của SJF trần sàn liên tục nhiều phiên