Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 128/2018/TT-BTC (Thông tư 128), thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC (Thông tư 242) quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán sẽ có hiệu lực từ 15/2/2019.
Một điểm đáng chú ý trong Thông tư 128 này là việc giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) sẽ chỉ áp mức tối đa 0,5% giá trị giao dịch và không có mức sàn.
Theo thông tư 242 đang có hiệu lực, biểu giá tối thiểu được áp dụng là 0,15% và tối đa 0,5%. Điểm sửa đổi trong Thông tư 128 này đồng nghĩa với việc các CTCK có thể hạ thấp mức giá giao dịch chứng khoán hơn so với hiện nay cho nhà đầu tư.
Cuộc cạnh tranh về phí sẽ diễn ra, nhà đầu tư chứng khoán có thể tiết kiệm nghìn tỷ mỗi năm
Trước đây, khi thị trường còn non trẻ, các CTCK mặc dù đông về số lượng nhưng phần lớn hoạt động manh mún. Việc áp dụng mức phí sàn 0,15%/giao dịch của Bộ Tài chính nhằm mục đích hạn chế một số CTCK top đầu chèn ép các CTCK nhỏ về giá, từ đó có thể dẫn tới độc quyền trên thị trường vốn dĩ còn sơ khai.
Tuy vậy, sau gần 20 năm phát triển, chứng khoán Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần giữa các công ty. Mặc dù số lượng các CTCK hoạt động từ con số hơn 100 đến nay đã giảm đáng kể, chỉ còn hơn 70 nhưng chất lượng đã được cải thiện rất nhiều, không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về nguồn lực tài chính.
Nếu như trước đây, chỉ có một vài CTCK "top đầu" như SSI, HSC, VCSC…có vốn trên 1.000 tỷ đồng thì thời gian gần đây, hàng loạt CTCK đã tăng vốn lên trên nghìn tỷ như KIS, KBSV (tiền thân là chứng khoán Maritime), TVSI, Mirae Asset, Yuanta…
Khi thị trường đã có những thành viên tiềm lực mạnh như hiện nay, việc gỡ bỏ phí sàn 0,15% là điều rất tích cực và đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Cuộc chiến thị phần lúc này sẽ không chỉ đến từ chất lượng dịch vụ mà còn đến từ cuộc cạnh tranh về mức phí giữa các CTCK.
Trên thực tế, mặc dù Thông tư 128 bỏ giá sàn chưa chính thức áp dụng nhưng một số CTCK như HFT, TCBS đã thực hiện giảm phí giao dịch dưới mức sàn 0,15% bằng cách "lách" hoàn trả phí giao dịch cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, TCBS đã đầu tư mạnh về công nghệ và hoạt động theo mô hình không có nhân viên môi giới, vì thế có thể cắt giảm tối đa các chi phí trung gian.
Trong khi đó, tại hầu hết các CTCK tại Việt Nam, đội ngũ môi giới vẫn được coi là nhân lực nòng cốt để thu hút, phát triển, tư vấn và hỗ trợ cho các khách hàng. Với mức hoa hồng chi trả cho môi giới chiếm 30-40% mức phí môi giới thu được, các CTCK có lực lượng môi giới đông sẽ dần chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các CTCK sử dụng công nghệ trong tư vấn.
Thống kê trong năm 2017, tổng giá trị giao dịch toàn TTCK Việt Nam (cộng cả chiều mua và bán) đạt 3,35 triệu tỷ đồng. Mức phí bình quân nhân viên môi giới tại các CTCK nhận được vào khoảng 0,05%, tương đương khoảng 1.673 tỷ đồng. Đây sẽ là khoản tiền nhà đầu tư có thể tiết kiệm được nếu các CTCK thực hiện giảm chi phí giao dịch thông qua việc đẩy mạnh công nghệ, cắt giảm nhân viên môi giới.
Môi giới truyền thống và áp lực thay đổi trong tương lai
Hiện tại, nhân viên môi giới đang đóng vai trò kiêm nhiệm vừa quản lý, hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, vừa đóng vai trò tư vấn cho nhà đầu tư.
Để tiết giảm chi phí, trong tương lai, vai trò hỗ trợ khách hàng mở tài khoản của các nhân viên môi giới truyền thống sẽ dần thu hẹp khi hoàn toàn có thể thực hiện online, như trường hợp TCBS. Thay vào đó, môi giới sẽ chủ yếu là người đóng vai trò tư vấn cho khách hàng.
Lúc này, bộ phận môi giới các CTCK cần phải nâng cấp chuyên môn hơn nữa, tự chứng minh được năng lực bản thân với khách hàng mới có thể tồn tại, khi mà các hệ thống robot trading sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chính họ. Trên thị trường, hiện đã có nhiều CTCK ứng dụng công nghệ vào tư vấn như TCBS, BSC, HFT…