Tại thời điểm đầu năm 2020, cơ cấu cổ đông của Savico khá cô đặc với Tổng Công ty Bến Thành sở hữu 40,8%; các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 47,4% bao gồm PYN Elite Fund (8,23%), Finansia Syrus Securities (12,08%), Probus Opportunities (7,3%), Tundra Fonder (5,1%), Endurance Capital Vietnam I Ltd (4,57%)…
Các quỹ trên đã lần lượt bán ra toàn bộ kéo tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Savico hiện chỉ còn hơn 3%. Câu chuyện đằng sau những động thái bán ra ồ ạt này phần nào được hé mở trong một báo cáo mới đây của Pyn Elite Fund: "Chuỗi đại lý xe hơi Savico đang trong thời kỳ biến động với cuộc tranh giành quyền sở hữu trong công ty mở ra cơ hội thoái vốn cho chúng tôi." Pyn Elite Fund cho biết đã lỗ một chút khi thu về 3,6 triệu Euro từ thương vụ này.
Báo cáo của Pyn Elite Fund đề cập việc thoái vốn tại Savico
Mặc dù có hơn 44% cổ phần được sang tên cho nhà đầu tư trong nước nhưng đến nay vẫn chưa xuất hiện cổ đông mới nào nắm giữ trên 5% cổ phần của Savico. Những thông tin trên dự báo kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức vào ngày 29/5 tới đây của Savico sẽ có nhiều thú vị, đặc biệt là trong việc đề cử nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ mới 2020-2025.
HĐQT của Savico hiện khuyết 1 vị trí khi vào tháng 9/2019, chủ tịch HĐQT Nguyễn Bình Minh từ nhiệm theo sự điều động của UBND Tp.HCM sang công tác tại doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, một số đại diện của các quỹ đầu tư trong HĐQT và Ban kiểm soát nhiều khả năng cũng sẽ từ nhiệm khi quỹ đã thoái vốn.
Khối ngoại đã bán ra gần hết cổ phần tại Savico
Kinh doanh sụt giảm mạnh, năm 2020 chỉ tiêu LNST giảm đến 53%
Từ nhiều năm nay, Savico là nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam, kinh doanh nhiều thương hiệu khác nhau như Toyota, Ford, Hyundai… Lượng xe mà hệ thống đại lý trực thuộc hệ thống Savico tiêu thụ năm 2019 đạt gần 40.500 xe, tăng 28% so với cùng kỳ - tương đương 10,1% toàn bộ lượng xe được tiêu thụ bởi các thành viên VAMA và Hyundai Thành Công.
Bên cạnh hoạt động chủ chốt là kinh doanh ô tô, xe máy, Savico cũng có nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Năm 2019, doanh thu hợp nhất của Savico đạt mức kỷ lục gần 18.300 tỷ đồng. Tuy vậy, LNST của cổ đông công ty mẹ vẫn giảm 11% từ 173 tỷ xuống 153,7 tỷ đồng.
Ngược với đà tăng mạnh của cổ phiếu, Savico công bố BCTC quý 1/2020 với doanh thu và lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần đạt 3.146 tỷ - giảm 25,4%; lợi nhuận gộp đạt 201 tỷ - giảm 26,6% so với quý 1/2019.
Theo giải trình, thị trường ô tô quý 4/2019 giảm sâu do cung vượt cầu quá lớn kéo dài qua đến quý 1/2020; nhu cầu mua sắm ô tô bão hòa cùng với tác động của dịch Covid – 19 dẫn đến doanh số ô tô quý 1 của toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ. Lãi gộp ô tô tiếp tục suy giảm mạnh do áp lực giải phóng hàng tồn kho và cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng do các đơn vị thực hiện các chương trình khuyến mại trực tiếp như hỗ trợ lệ phí trước bạ, bảo hiểm, chi phí marketing…
Trước khó khăn trên, năm 2020 SVC cho biết sẽ ưu tiên tập trung đảm bảo sự an toàn, ổn định hoạt động kinh doanh, tập trung giải quyết các vấn đề pháp lý của lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, Savico đặt kế hoạch doanh thu giảm 19% xuống còn 14.763 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm đến hơn một nửa, còn 125 tỷ đồng và dự kiến lợi nhuận sau thuế giảm 53% so với năm 2019, còn gần 108 tỷ đồng. Các chỉ tiêu trên không bao gồm việc hạch toán hiệu quả dự án 104 Phổ Quang, Hà Nội (dự kiến lợi nhuận 56,9 tỷ đồng).
SVC tăng vọt khi đợt thoái vốn của khối ngoại diễn ra