Khi nhắc đến độc lập tài chính, Host Ngọc Trinh đã đặt ra vấn đề cho các diễn giả: "Có nhiều người nghĩ độc lập tài chính là tự do chi tiêu thỏa thích. Nhưng cũng với nhiều người khác việc cân bằng thu chi là 1 cuộc chiến cảm xúc. Tôi đã từng chứng kiến có những chị em bỏ ra 3 tháng lương chỉ để mua một cái túi, hoặc những bạn trẻ khi mới đi làm thường có suy nghĩ sẽ lấy tháng lương đầu tiên để mời gia đình đi ăn." Câu hỏi đặt ra cho các diễn giả là những mưu cầu đó là mưu cầu không xấu nhưng đó liệu có là thói quen tốt trong việc kiểm soát cảm xúc và kiểm soát tài chính khi chúng ta đang ở ngưỡng tài chính khá ổn định hay không?
Với tình huống Host Ngọc Trinh đưa ra, các diễn giả đều rất hào hứng. Bà Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản, Khối trong nước DCVFM, bà cho rằng thói quen chi tiêu như vậy là không nên. Theo bà Hạnh chúng ta cần phải sáng suốt trong chi tiêu, cần phân tách thu nhập của bản thân thành các cấu phần chính. Một nửa cho những nhu cầu cần thiết (tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn…), một phần cho những thứ bạn muốn (vui chơi, giải trí) và phần còn lại để tích lũy đầu tư.
"Nếu bạn quá cảm xúc, tháng lương không chia phần tích lũy mà lấy tiền đó để mua túi như trường hợp trên thì đường đến nấc thang tài chính tiếp theo còn xa" – vị diễn giả này chia sẻ.
Tuy nhiên Host Ngọc Trinh xoay lại vấn đề: "Nhưng liệu như thế cuộc sống liệu có không vui khi cảm xúc của mình không được chiều chuộng hay không thưa các diễn giả?"
Trả lời cho câu hỏi này, bà Đỗ Thùy Dương – Tổng giám đốc TalentPool cho biết: "Đứng từ góc độ tâm lý, mỗi người có hệ giá trị ra quyết định khác nhau và họ thường ‘bao biện’ nếu không vui không hạnh phúc thì họ không có động lực làm việc. Tôi nghĩ rằng đó là giai đoạn chúng ta cần phải chiến đấu rất nhiều về mặt cảm xúc, và làm thế nào để chiến thắng được thì cần phải có mục tiêu đủ lớn.
Để làm rõ hơn vấn đề nên chi và tiêu như thế nào trong mỗi hoàn cảnh, Host Ngọc Trinh đã đưa ra một tình huống để các diễn giả xử lý.
Host Ngọc Trinh: "Bắt nguồn từ bộ phim Mưu cầu hạnh phúc, để từ mưu cầu giàu có hạnh phúc chẳng lẽ chỉ phụ thuộc vào lương hay sao? Liệu có chi nhiều hơn nữa để đánh đổi những cơ hội đi ăn chơi với những người bạn để tìm kiếm cơ hội hay không? Trong hoàn cảnh này, chi cho quần áo túi xách hay dùng tiền đó để tiết kiệm tái đầu tư thì hợp lý hơn theo các diễn giả?".
Quan điểm của bà Hạnh cho rằng đầu tư không chỉ là đầu tư tích lũy mà còn là đầu tư cho bản thân, trong đó có đầu tư cho kiến thức của mình và đầu tư cho các mối quan hệ. Thành công của mỗi người không quyết định ở việc người đó có học giỏi hay không mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó mối quan hệ rất quan trọng. Theo bà Hạnh, mối quan có thể mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội về công việc, sự nghiệp. Bà cũng khẳng định rằng đầu tư là tốt, đầu tư vào tài sản hữu hình ngay trước mắt hoặc đầu tư vào tài sản vô hình như kiến thức hay các mối quan hệ thì đều giúp gia tăng thu nhập trong tương lai.
Khai thác sâu hơn vấn đề, Host Ngọc Trinh đặt câu hỏi với vị diễn giả còn lại: "Nhưng ở góc độ của chị Dương thì chị có lời cảnh báo nào cho việc chúng ta đang ngụy biện là đang đầu tư cho bản thân nhưng thực tế lại đang yêu chiều bản thân hay không?".
Là một chuyên gia ở trong lĩnh vực tâm lý, bà Dương chia sẻ rằng điều này sẽ còn phụ thuộc vào lối sống của mỗi người. "Tôi có người bạn không biết uống rượu, hút thuốc, đánh golf hay những thói quen mà người ta dùng để ‘xã giao’. Thứ anh ấy đầu tư không phải là có thêm nhiều mối quan hệ mà tập trung vào chất lượng công việc và tạo uy tín của mình trong lĩnh vực đó, nên tất cả mối quan hệ đều mang việc đến cho anh dù anh không dành quá nhiều thời gian để thiết lập các mối quan hệ bằng thú ăn chơi. Thì đó là tùy vào lối sống do mỗi người lựa chọn." Bà Dương cũng khuyên mọi người nên xem xét trong những thứ mình đang ngụy biện cho bản thân, cần phải đo lường xem nó tạo ra hiệu quả như thế nào, có xứng đáng để chi tiêu hay không.