Cá biệt có những dự án, chỉ một nhóm người chụp hình với băng rôn đỏ rực cùng những câu khẩu hiệu đanh thép sau đó chia sẻ ảnh trên mạng như một cuộc biểu tình rầm rộ của cả trăm cư dân. Những diễn biến này đôi khi không phải ý chí của toàn bộ cư dân mà chỉ của một nhóm người.
Tại nhiều dự án ở Hà Nội, cứ đến sát thời điểm bàn giao nhà thường xảy ra mâu thuẫn giữa khách hàng và chủ đầu tư, nhưng thay vì đối thoại, tại nhiều dự án cư dân đã xuống đường căng băng rôn, thậm chí đấu tranh quyết liệt khiến sự việc trở nên căng thẳng.
Bên cạnh những khách hàng bức xúc và mong muốn được đối thoại với chủ đầu tư để làm rõ vấn đề, thì cũng có rất nhiều khách hàng kích động, xúi giục người dân, đẩy sự việc trở nên căng thẳng.
Ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều cuộc căng băng rôn gần đây là do một số cư dân đẩy sự việc lên quá đà gây sức ép với chủ đầu tư. Có những sự vụ dù chủ đầu tư đã có văn bản giải thích, lỗi đã được khắc phục phần nào nhưng nhóm cư dân vẫn quyết liệt căng băng rôn gây ầm ĩ, từ chối đối thoại với chủ đầu tư.
Một chủ đầu tư đã kinh qua rất nhiều dự án chung cư tại cả Hà Nội và TPHCM cho biết, tại một số dự án của doanh nghiệp này làm chủ đầu tư khi ban quản lý toà nhà thông báo hết thời gian miễn phí dịch vụ và bắt đầu thu phí là diễn ra điệp khúc "căng băng rôn" phản ánh dịch vụ, an ninh vệ sinh. Tuy nhiên trách nhiệm tối thiểu là đóng phí dịch vụ để duy trì các dịch vụ hàng ngày, hàng tháng thì nhiều cư dân lại "quên".
Vị này cho biết dự án sau hơn một năm đi vào hoạt động, hiện chỉ có 30% hộ dân ở đây đóng phí quản lý. Do vậy chủ đầu tư phải bù lỗ toàn bộ chi phí còn thiếu cho việc vận hành tòa nhà, dịch vụ an ninh, bảo vệ. Cứ kéo dài tình trạng này, không biết chừng nào cuộc "chiến" tranh chấp nhà chung cư mới có hồi kết.
Cùng quan điểm với vị này, một chủ đầu tư khác cũng cho biết, tại nhiều khu chung cư cư dân đẩy sự việc lên quá đà, cùng với đó là việc từ chối đối thoại mà yêu cầu chủ đầu tư phải đáp ứng ngay các yêu cầu. Thậm chí tại một số dự án chung cư mới đi vào hoạt động, chưa có ban quản trị, không có người đại diện tiếng nói của toàn dân cư nên khi làm việc mỗi người dân một ý kiến, khó thống nhất được phương án xử lý.
Chưa hết, một số trường hợp người mua không hiểu rõ các quy định của pháp luật nên khiếu nại và tranh chấp không hợp lý. Trường hợp khác, người mua không dành thời gian nghiên cứu kỹ hợp đồng, hiểu sai các cam kết của chủ đầu tư, dẫn đến tranh chấp tiêu chuẩn bàn giao về trang thiết bị, thiết kế xây dựng, bảo hành nhà khi xảy ra sự cố.
Trao đổi với truyền thông, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng Luật Nhà ở 2014 lẫn Nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định tương đối cơ bản các nội dung về giải quyết tranh chấp tại các chung cư. Tuy nhiên, nhiều vụ tranh chấp hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Lý do là bởi, đây không phải là vấn đề pháp lý, mà là vấn đề xử lý tình huống giữa các bên hiện nay.
Cùng quan điểm với ông Hà các chuyên gia cũng cho biết, căng băng rôn, xuống đường phản đối chủ đầu tư thực sự không phải là cách làm văn minh. Bởi lẽ, khi đã có mâu thuẫn xảy ra, thì sẽ có chuyện thiệt hại, thua thiệt.
Nhiều chuyên gia cho biết, hiện nay có một câu chuyện nhức nhối, đó chính là một số đối tượng có mục đích tư lợi cố giành giật vị trí trong ban quản trị thông qua khe hở của quy định tổ chức hội nghị nhà chung cư. Theo quy định, tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị lần đầu tiên phải có trên 75% cư dân tham dự, lần thứ 2 phải trên 50%, còn lần thứ 3 thì không quy định số lượng bao nhiêu.
Tuy nhiên, tại rất nhiều chung cư, phần lớn cư dân đều thờ ơ với việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, lần đầu có khoảng 20% cư dân tham dự, lần sau cũng 20% đến lần thứ 3 không quy định số lượng tham dự thì đây chính là lúc những người có mục đích nắm được quản lý tòa nhà thông qua vai trò ban quản trị.
Trước tình trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo cư dân phải hết sức thận trọng khi lựa chọn người đại diện tiếng nói của mình. Nếu chủ đầu tư sai thì cư dân có thể thuê luật sư kiện ra toà hoặc gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng giải quyết. Việc sử dụng các hình thức cực đoan không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống, làm giảm giá trị khu nhà, kéo theo những hệ luỵ mất an ninh trật tự khác không đáng có.