Cuộc chiến giá dầu Nga - Ả Rập Saudi: Người khơi mào "tự bắn vào chân"; những ai sẽ được hưởng lợi?

19/03/2020 14:14
Cả Nga và Ả Rập Saudi đều nghĩ rằng họ ở vị thế tốt hơn so với đối phương trong cuộc chiến giá dầu này. Vậy, ai mới là người chịu thua thiệt lớn nhất?

Ngày 9/3/2020, ngay sau khi mở phiên giao dịch vào sáng sớm, giá dầu đã đột ngột giảm 30%. Lý do của sự sụp đổ giá dầu này là cuộc chiến trên thị trường dầu mỏ do Ả Rập Saudi phát động chống lại Nga sau các cuộc đàm phán của OPEC+ thất bại. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016 các thành viên OPEC và các quốc gia sản xuất dầu ngoài OPEC đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu.

Thỏa thuận giữa OPEC và các quốc gia không phải thành viên gọi là OPEC+ về việc giảm sản lượng có hiệu lực kể từ đầu năm 2017. Thỏa thuận này được gia hạn nhiều lần và các điều kiện được thay đổi cho mỗi lần gia hạn. Cuối năm 2019, OPEC+ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 10/2018 và quý đầu năm 2020, liên minh này đã cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày.

Thoả thuận này sẽ hết hạn vào ngày 1/4/2020. Cuộc chiến giá dầu bùng nổ sau khi Moscow quyết định rút khỏi thỏa thuận của OPEC+, không đồng ý cắt giảm sản lượng do Ả Rập Saudi đề xuất để hạn chế nguồn cung toàn cầu, khiến giá dầu giảm mạnh.

Đáp lại, Riyadh đã phản ứng bằng cách mở toang cánh cửa thị trường và cam kết sẽ tăng sản lượng lên mức kỷ lục và hạ giá bán dầu. Việc tăng sản lượng và bán phá giá dầu diễn ra trùng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm cho thị trường bị chao đảo, giá dầu lao dốc.

Cả Nga và Ả Rập Saudi đều nghĩ rằng họ ở vị thế tốt hơn so với bên kia để có thể chịu đựng được thiệt hại và cả hai đều tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu của mình trong cuộc chiến này.

Ai là người thua thiệt lớn nhất trong cuộc chiến giá dầu?

Mỹ

Các chuyên gia dự đoán rằng, Mỹ sẽ là nước thua thiệt lớn nhất trong cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga. Giá dầu thô giảm mạnh gây ra nhiều khó khăn cho các công ty sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ và có thể một nửa số công ty này phải tuyên bố phá sản trong thời gian tới. Với chi phí sản xuất một thùng dầu đá phiến hiện nay ở Mỹ dao động trong khoảng 35-40 USD/thùng, trong khi giá dầu tụt xuống chỉ còn 30-33 USD/thùng thì các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ không thể nào có thể cạnh tranh để tồn tại được.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định đối đầu với cuộc chiến này bằng cách gia tăng sản lượng và bơm một khối lượng dầu không hạn chế ra thị trường thế giới. Việc làm này có thể đe dọa phá sản nhiều công ty Mỹ hiện nay đang mắc nợ nhiều.

Động thái này được đưa ra sau nhiều năm Nga bị mất thị phần do Mỹ phát triển mạnh ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến và Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu khí của Nga nhằm trả đũa chính sách của Nga trong các vấn đề quốc tế.

 Cuộc chiến giá dầu Nga - Ả Rập Saudi: Người khơi mào tự bắn vào chân; những ai sẽ được hưởng lợi? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Ả Rập Saudi

Đến nay phải chi phí một khoản tiền lớn cho cuộc chiến tại Yemen lên tới 725 tỷ USD, thiếu hụt ngân sách hơn 50 tỷ USD, một thời gian dài Ả Rập Saudi dựa vào giá dầu cao, nguồn tiền chính để bù đắp thâm hụt ngân sách, với giá dầu lao dốc như vậy Riyahd đã mất đi một khoản thu nhập đáng kể.

Theo báo cáo của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), giá dầu trung bình hiện nay khoảng 30-33 USD/thùng so với 68 USD/thùng tháng 12/2018 và 60 USD/thùng tháng 11/2019. Đây là mức thấp nhất kể từ khi bùng nổ cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.

Ả Rập Saudi còn đang bán phá giá sang thị trường châu Âu chỉ với mức 25-28 USD/thùng, chủ yếu nhắm vào các tập đoàn lọc dầu lớn trước đây dựa vào nguồn cung cấp của Nga, trong một cuộc chiến với Moscow nhằm tranh giành thị phần. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Aramco đã cam kết cung cấp lâu dài cho châu Âu toàn bộ số dầu thô cần thiết thay Nga.

Mới đây, Ả Rập Saudi đã quyết định tăng sản lượng thêm 2,6 triệu thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của nước này lên 12,3 triệu thùng/ngày. Với giá dầu Aramco chào bán hiện nay 25-28 USD/thùng, ước tính Ả Rập Saudi sẽ thiệt hại khoảng 394,4 triệu USD/ngày hoặc trên dưới 144 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, cổ phiếu của Aramco hiện nay được giao dịch ở mức 27 riyal (7,20 USD) cho mỗi cổ phiếu, thấp hơn 15,6% so với giá chào bán ban đầu là 32 riyal. Thị trường chứng khoán của Ả Rập Saudi cũng giảm 9,11% trong giao dịch mới đây.

Tầm nhìn năm 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập của Ả Rập Saudi và dự án thành lập "Thành phố giải trí" al-Qiddiya với mức đầu tư 500 tỷ USD phía Nam Thủ đô Riyadh sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu giá dầu sụp đổ và thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục lao dốc.

Quyết định giảm giá dầu của Ả Rập Saudi là một cuộc phiêu lưu không lường trước được hậu quả của nó đối với nền kinh tế của chính Vương quốc, chẳng khác gì Riyadh tự bắn vào chân mình.

Ai là người được hưởng lợi khi giá dầu hạ?

Bloomberg cho rằng, các nhà buôn và môi giới dầu mỏ là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga. Giá vàng đen đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Họ cho rằng giá dầu đã chạm đáy và sẽ được phục hồi sau một thời gian ngắn.

Các nhà buôn dầu đang đặt cược vào tương lai. Họ đang tăng cường mua và tích trữ dầu với hy vọng thời gian tới sẽ bán ra và kiếm lợi nhuận khủng khi giá tăng trở lại.

Vitol, tập đoàn kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới có trụ sở tại Rotterdam đã đặt thuê các bể chứa dầu ở Hàn Quốc, trong khi các công ty khác đã biến các tàu chở dầu thành các kho chứa dầu nổi.

Trước đây, các nhà buôn dầu mỏ đã kiếm được hàng triệu đô la trong các cuộc khủng hoảng tương tự. Riêng Vitol năm 2009 đã kiếm được khoảng 2,3 tỷ USD.

Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... đều được hưởng lợi từ giá dầu giảm, bởi vì họ là những người nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Giá dầu thấp là một nhân tố quan trọng góp phần phục hồi sự phát triển kinh tế của các nước này sau khi dịch COVID-19 chấm dứt. Các nhà sản xuất cũng được hưởng lợi khi giá đầu vào của sản phẩm giảm. Người tiêu dùng bình thường cũng đỡ được gánh nặng chi tiêu nhiên liệu.

 Cuộc chiến giá dầu Nga - Ả Rập Saudi: Người khơi mào tự bắn vào chân; những ai sẽ được hưởng lợi? - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa

Nga có thể vượt qua được cú sốc dầu mỏ này hay không?

Nga cho rằng họ có thể vượt qua cuộc chiến này, vì họ đã tích lũy được khá nhiều tiền trong những năm giá dầu tăng ở mức cao và khác với Ả Rập Saudi, kinh tế của Nga rất đa dạng, dầu mỏ chỉ là một trong những nguồn thu nhập của Nga, trong khi 90% thu nhập của Ả Rập Saudi là từ dầu mỏ.

Các nhà kinh tế Nga cho rằng, Moscow có thể cân đối được ngân sách của mình hơn Ả Rập Saudi khi giá dầu giảm sâu hơn nữa. Nga không quan tâm nhiều đến thiệt hại sẽ gây ra cho đồng minh Venezuela và Iran vốn đang phải chịu đựng bất ổn về chính trị và tác động của đại dịch COVID-19, vì mục tiêu chính của Tổng thống Vladimir Putin là Mỹ.

Sofya Donets, nhà kinh tế nổi tiếng của Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) mới đây được bổ nhiệm làm giám đốc của Ngân hàng Renaissance Capital nhận định: "Mặc dù sẽ khó khăn, nhưng Nga đang ở một vị thế tốt hơn so với trước đây và hiện nay có đủ nguồn lực để có thể vượt qua cú sốc này."

Trong 5 năm qua, Nga đã tăng nguồn dự trữ ngoại tệ của mình lên tới trên dưới 600 tỷ USD từ giá dầu tăng và tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của các giới chuyên gia, với số tiền này, nếu dầu thô được bán với giá 25-30 USD/thùng thì Nga sẽ cần rút khoảng 20 tỷ USD/năm từ Quỹ tài sản quốc gia để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn thu ngân sách và Nga có thể chịu đựng được với giá dầu thấp như hiện nay ít nhất trong vòng một thập niên, nếu cần thiết.

Các chuyên gia nhận định rằng, trước mắt khó có thể đạt được một thỏa thuận trong cuộc chiến này, bởi vì Nga không chịu chấp nhận bất kỳ sự giảm sản lượng nào khi họ đang tiến hành một cuộc chiến song song chống lại dầu đá phiến của Mỹ gần đây tràn ngập thị trường, lấn lướt vai trò của các nước trong và ngoài OPEC. Đây cũng là đòn trả đũa của Nga đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, đã là chiến tranh thì các bên đều không thể tránh khỏi thiệt hại. Cuối cùng các nhà xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải trở lại cơ chế OPEC+ để thảo luận một thỏa thuận mới, vì giá dầu thấp gây bất lợi cho cả các bên.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.


Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
2 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
2 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
54 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
19 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
11 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
13 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.