Cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê Út và Nga tiếp tục nóng lên
Hôm qua 10/3, Aramco - doanh nghiệp nhà nước của Ả Rập Xê Út cam kết cung cấp sản lượng kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày vào tháng tới, một sự gia tăng lớn dự báo sẽ khiến nguồn cung dầu tràn ngập thị trường. Việc tăng cung - cao hơn 25% so với sản xuất tháng trước - vượt quá năng lực sản xuất tối đa của Aramco, cho thấy vương quốc ở khu vực Tây Á này thậm chí đang sử dụng cả lượng dầu tồn kho chiến lược để có thể đổ càng nhiều dầu thô vào thị trường càng nhanh càng tốt.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak nói rằng Nga có khả năng tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Theo đó sản lượng của Nga có khả năng đạt 11,8 triệu thùng/ngày - cũng là một mức sản lượng kỷ lục.
Đó là những căng thẳng mới nhất trong cuộc xung đột được dự báo là sẽ kéo dài và cay đắng giữa hai đồng minh cũ trong liên minh OPEC+. Các thành viên khác của OPEC cũng bắt đầu có những động thái theo sau, như với Iraq sẽ tăng sản lượng lên tới 350.000 thùng/ngày vào tháng tới và Nigeria thêm khoảng 100.000 thùng nữa.
Thị trường đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng có - sự gia tăng nguồn cung khổng lồ kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu về dầu lịch sử do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Hôm 9/3, dầu thô giảm gần 25%, mức giảm trong một ngày lớn nhất trong gần 30 năm, tạo ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và trái phiếu toàn cầu. Giá dầu đã tăng trở lại vào thứ ba 10/3, dầu thô Brent được giao dịch cao hơn 9,6% ở mức 37,64 USD/thùng vào cuối buổi sáng tại London, nhưng các nhà đầu tư thấy rất ít cơ hội phục hồi nhanh chóng khi dịch bệnh cắt giảm cầu.
Kết quả của cuộc chiến giá cả không chỉ được quyết định bởi khả năng gây "sát thương" của mỗi bên, mà còn là sức bền chịu đựng tổn thất.
Ả Rập Xê Út có khả năng tấn công mạnh hơn, nhờ vào sử dụng các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để tăng nguồn cung trong thời gian ngắn. Ngoài các kho dự trữ nội địa, Ả Rập Xê Út cũng lưu trữ dầu thô gần các trung tâm tiêu thụ ở Rotterdam, Okinawa và cảng Sidi Kerir của Ai Cập. Trong khi đó, Nga không có mạng lưới kho trữ dầu chiến lược để có thể đối chọi lại.
Nhưng Nga có thể có lợi thế phòng thủ. Điện Kremlin có thể sử dụng quỹ tài sản trị giá 150 tỷ USD của mình để bù đắp cho sự sụt giảm của giá dầu và tăng giá trị của đồng rúp. Các khoản dự phòng này đủ để trang trải doanh thu bị mất trong vòng 6 đến 10 năm, với giá dầu từ 25 đến 30 USD/thùng, Bộ Tài chính Nga cho biết.
Theo nguồn tin từ Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi cho biết, tại Ả Rập Xê-Út, nếu dầu thô Brent vẫn ở mức 35 USD/thùng mà không có sự điều chỉnh trong chi tiêu của chính phủ, quốc gia này sẽ thâm hụt gần 15% sản lượng kinh tế vào năm 2020, trong khi dự trữ ngoại tệ ròng có thể sẽ cạn kiệt trong khoảng 5 năm tới nếu không sử dụng nguồn tài trợ khác.
Mỹ và các nước phương Tây khác đang bắt đầu lo lắng về cuộc chiến về giá giữa hai quốc gia dầu khí mạnh nhất thế giới. Hôm 9/3, Bộ Năng lượng Mỹ trong một tuyên bố cho rằng "hành động của các quốc gia đang nhằm thao túng và gây sốc thị trường dầu mỏ".
Cuộc họp tiếp theo của OPEC vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 9 - 10/6, nhưng thực tế cũng có thể diễn ra sớm hơn, có thể là vào tháng 5. Và các quốc gia khác trong khối OPEC, chẳng hạn như Algeria, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã báo hiệu rằng sự hòa giải có thể là giải pháp tốt hơn trong tương lai, khi tác động của sự chia rẽ nghiêm trọng trong tuần trước trên thị trường là khá rõ ràng.
S&P Global và Barclays hạ dự báo giá dầu xuống trong bối cảnh cuộc chiến giá cả và dịch bệnh lây lan
Hôm 10/3, Tổ chức xếp hạng S&P Global đã cắt giảm dự báo giá dầu Brent trung bình trong năm nay xuống còn 40 USD/thùng và cảnh báo rằng một số công ty dầu khí có thể phải đối mặt với việc hạ điểm tín dụng. Trước đó, S&P đã dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức 60 USD/ thùng.
Có động thái tương tự, Barclays cũng đã cắt giảm dự báo giá dầu trong năm 2020, với lý do OPEC không thể thuyết phục các đồng minh bao gồm Nga cắt giảm sản lượng hơn nữa, dẫn đến việc Ả Rập Xê-út tuyên bố họ sẽ tăng sản lượng trong tháng 4 mặc dù nhu cầu trên toàn cầu đang chậm lại.
Ngân hàng hạ dự báo giá dầu Brent xuống còn 43 USD/thùng và giá dầu West Texas Intermediate (WTI) xuống 40 USD/thùng. Trước đó, vào cuối tháng 2, Barclays đã dự báo giá dầu Brent và WTI lần lượt ở mức 59 USD/thùng và 54 USD/thùng.
"Các thị trường dầu mỏ đang đối mặt với sự bất đồng giữa các thành viên chủ chốt của OPEC+, điều này có nghĩa là nguồn cung sẽ có khả năng áp đảo các cân bằng thị trường trong ngắn hạn, trong bối cảnh nhu cầu quy mô lớn bị tổn hại bởi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh." chuyên gia tại Barclays’ cho biết.
Sau khi thỏa thuận OPEC thất bại, một số ngân hàng khác cũng đã cắt giảm dự báo giá dầu trong năm nay khi nghĩ rằng nguồn cung sẽ áp đảo thị trường dầu toàn cầu.
Tham khảo: Reuters