Sau giai đoạn thuận lợi 2015-2017, hàng loạt doanh nghiệp ngành thép bước vào cuộc đua mở rộng nhằm gia tăng thị phần. Tuy nhiên, chính lúc các doanh nghiệp hăng say với kế hoạch mở rộng thì bối cảnh ngành kém thuận lợi đã khiến một vài doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất các sản phẩm thép năm 2018 đạt 24,2 triệu tấn, tăng 14,9% so với cả năm 2017; bán hàng đạt 21,7 triệu tấn, tăng 20,9%. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,7 triệu tấn, tăng 26,6%. Loại trừ tăng trưởng của HRC thì sản xuất và bàn hàng thép thành phẩm các loại chỉ tăng lần lượt 5% và 10%.
Đến 7 tháng đầu năm nay đà tăng của ngành thép vẫn được duy trì khi sản xuất đạt 14,7 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018; bán hàng đạt 13,7 triệu tấn, tăng 10%; xuất khẩu thép 2,8 triệu tấn, tăng 4,8%.
Tuy nhiên, việc giá nguyên vật liệu như quặng sắt, thép phế liệu, phôi thép… có xu hướng tăng giá so với năm 2017. Đồng thời, xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu và cạnh tranh gay gắt thị trường trong nước khiến các doanh nghiệp ngành thép bị suy giảm lợi nhuận dù doanh thu vẫn tăng.
Hoa Sen, Nam Kim nối đuôi nhau thu hẹp
Năm 2017, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG ) có chiến lược mở ít nhất 1.000 cửa hàng giai đoạn 2018-2021 phủ sóng khắp cả nước nhằm tăng thị phần và đầu tư siêu dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD với công suất 16 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 cho biết năm 2018 mở chưa tới 100 cửa hàng và đến cuối năm mới có 500 cửa hàng. Cùng với đó, dự án Cà Ná không thể triển khai.
Không những chiến lược mở rộng gặp khó, Hoa Sen còn vấp phải tình trạng mất cân đối tài chính, dư nợ quá lớn bào mòn lợi nhuận. Do vậy, công ty đã phải tái cấu trúc hệ thống phân phối, gom tất cả các chi nhánh về còn một chi nhánh/tỉnh, bán dần các cửa hàng. Mục tiêu chính của công ty thời gian qua chuyển từ mở rộng gia tăng thị phần sang quản lý hàng tồn kho, công nợ, giảm chi phí nhằm tối ưu nguồn lực hoạt động. Tính đến 30/6, Hoa Sen đã giảm được hơn 3.000 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và thu gọn gần 100 chi nhánh so với thời điểm 1/10/2018.
Năm tài chính 2018 (từ 1/10/2017 đến 30/9/2018), Hoa Sen ghi nhận doanh thu tăng 31% nhưng lợi nhuận ròng giảm mạnh gần 70% xuống 409 tỷ đồng. 9 tháng năm nay (1/10/2018-30/6/2019) doanh thu thuần giảm 16% và lợi nhuận sau thuế giảm 46% về mức 21.684 tỷ và 277 tỷ đồng.
Doanh thu HSG tăng nhưng lợi nhuận liên tiếp sụt giảm |
Năm 2017, tận dụng bối cảnh thuận lợi và giá cổ phiếu tăng cao, Thép Nam Kim (HoSE: NKG ) đã phát hành thành công 30 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược với mức giá 27.000 đồng/cp, thu về 810 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, ông Phạm Mạnh Hùng, cựu Tổng giám đốc cho biết công ty chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo với việc triển khai đầu tư một nhà máy mạ màu chất lượng cao liên doanh với Hàn Quốc,một nhà máy sản xuất tôn mạ công suất 1 triệu tấn/năm. Việc này giúp nâng công suất lên 2,2 triệu tấn/năm vào năm 2022, gấp đôi năm 2017. Nhờ đó, công ty có thể chinh phục các thị trường khác như Mỹ, Úc, châu Âu và cả châu Phi, định hướng tỷ lệ xuất khẩu và nội địa 50/50.
Với chiến lược mở rộng, dù giá thép giảm nhưng doanh thu của Nam Kim năm 2018 vẫn tăng. Tuy nhiên, với chi phí giá vốn cao, biên lợi nhuận gộp giảm sâu khiến lợi nhuận sau thuế giảm dần, quý IV/2018 và quý I/2019 lần lượt lỗ 173,4 tỷ và 101,6 tỷ đồng.
Hoạt động bán hàng, tiêu thụ sản phẩm của Nam Kim cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dù tổng sản lượng tôn tăng nhưng riêng sản lượng bán hàng tôn mạ kẽm giảm hơn 25% khiến Nam Kim lần đầu tiên sau nhiều năm mất vị trí thứ 2 thị phần vào tay đối thủ Tôn Đông Á.
Trước tình hình khó khăn của ngành tôn thép mạ trong năm 2019, ban lãnh đạo Nan Kim có chủ trương tái cơ cấu lại hệ thống sản xuất. Cụ thể, công ty chuyển nhượng vốn góp tại dự án Nam Kim Corea, KCN Visip II – A, một số nhà máy sản xuất mạ, nhà máy Nam Kim 1… Thông qua chuyển nhượng, NKG dự thu về khoảng 850 tỷ đồng và sử dụng giảm dư nợ trung hạn.
Nửa đầu năm 2019 hoạt động kinh doanh chính của công ty vẫn lỗ thuần nhưng đã giảm nhiều so với quý IV/2018. Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt, hoạt động kinh doanh của Nam Kim thực chất chưa phục hồi, nửa đầu năm công ty có lãi nhờ chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1, phần vốn góp trong liên doanh Nam Kim Corea và giảm chi phí lãi vay.
|
Nửa đầu năm NKG có lãi nhờ thoái vốn. |
Hoà Phát, Pomina chậm tiến độ
"Anh cả" ngành thép Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ) cũng chậm tiến độ dự án quan trọng nhất là Dung Quất. Tính đến 30/6, Hòa Phát đã hạch toán chi phí dở dang gần 43.000 tỷ đồng cho dự án. Chủ tịch Trần Đình Long tại họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu cho dự án là 40.000 tỷ đồng vay trung hạn cho tài sản cố định, 12.000 tỷ đồng cho hoạt động ngắn hạn. Trong quá trình đầu tư, Hòa Phát áp dụng một số thành tựu công nghệ mới, tăng đầu tư cho bảo vệ môi trường và mua thiết bị châu Âu (nâng công suất từ 100.000 tấn lên 200.000 tấn) nên chi cho tài sản cố định tăng lên thành 50.000 tỷ đồng và cho vốn lưu động 15.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 8, Hòa Phát cho biết dây chuyền cán thép số 2 công suất 1,2 triệu tấn, thuộc giai đoạn 1 Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sắp chạy thử và cung cấp sản phẩm cho thị trường phía Nam từ cuối năm nay. Dự kiến thép xây dựng Hòa Phát sẽ đạt sản lượng trên 4 triệu tấn/năm vào đầu năm 2020, trong đó một nửa được sản xuất tại Hải Dương, Hưng Yên và nửa còn lại tại Dung Quất.
Theo kế hoạch trước đó, giữa năm 2019, lò cao đầu tiên sẽ chính thức hoạt động. Toàn bộ các dây chuyền thiết bị sẽ hoàn thành và hoạt động đồng bộ vào cuối năm 2019, đầu 2020.
Ngoài dự án Dung Quất, Hòa Phát còn đầu tư vào dự án nhà máy tôn mạ màu, mạ lạnh công suất 400.000 tấn/năm, hay các lĩnh vực khác như bất động sản và nông nghiệp cũng được mở rộng phát triển.
Nửa đầu năm, doanh thu tập đoàn đạt 30.060 tỷ đồng, tăng 10% và thực hiện 42,8% kế hoạch năm; lãi ròng 3.860 tỷ, giảm 13,6% và thực hiện 56% kế hoạch.
|
HPG là doanh nghiệp hiếm hoi tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 nhưng cũng giảm trong nửa đầu năm nay |
Cho giai đoạn 2018-2020, Thép Pomina (HoSE: POM ) định hướng tiếp tục đầu tư 3 dự án có tổng vốn 170 triệu USD gồm dự án lò cao 800 ngàn tấn/năm (65 triệu USD), dự án mạ màu 600 ngàn tấn/năm (60 triệu USD) và dự án cán 500 ngàn tấn/năm (50 triệu USD), cùng hoạt động trong năm 2019. Hiện chỉ mới có dự án mạ màu đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 4 còn dự án lò cao và dự án cán chuyển kế hoạch sang 2020.
Ban lãnh đạo Pomina cho biết nguồn cung tăng mạnh gây áp lực cạnh tranh gay gắt. Theo đó, doanh thu năm qua đạt 13.468 tỷ, tăng 17,%; lãi ròng 432 tỷ, giảm 38%. Nửa đầu năm nay, công ty báo lỗ 132 tỷ đồng do dự án tôn mạ đưa vào hoạt động giai đoạn I từ quý II làm chi phí tài chính tăng 45% so với cùng kỳ năm trước và một nhà máy ngưng sản xuất do sự cố thiết bị làm sản lượng bán giảm.
|
Nửa đầu năm, POM lỗ ròng 132 tỷ đồng. |