Sau gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, Grab, Uber đã trở nên quen thuộc tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Tuy nhiên, việc định danh và quản lý loại hình vận tải mới này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và đặc biệt là của các doanh nghiệp taxi.
"Không cấm được Uber, Grab"?
Phát biểu tại buổi toạ đàm quản lý taxi công nghệ sáng nay 21/3, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico khẳng định, đến giờ phút này không thể nói chuyện cấm nữa vì Hiến pháp 2013, đến 2014, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ.
Nếu muốn cấm thì phải sửa luật giao thông, đồng thời chỉ được cấm trong 4 trường hợp: Có lý do gây ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng (trường hợp này chẳng có lý do gì về an ninh - quốc phòng); lý do về tính chất an toàn xã hội (rất có thể bám vào lý do này); lý do về đạo đức xã hội (chắc chắn không có đạo đức xã hội ở đây); lý do về sức khỏe cộng đồng (chắc chắn cũng không thể), ông Đức nói.
Tất nhiên, hạn chế thì được, hoàn toàn đồng ý. Cần yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Giao thông đường bộ và taxi dưới dạng gì cũng cần có điều kiện, ông Đức nêu quan điểm.
"Tôi nhất trí với việc nếu hạn chế thì Hà Nội phải hạn chế bao nhiêu xe, Tp.HCM bao nhiêu xe chứ không thể để tình trạng tắc đường không đi được, mất an ninh trật tự và nhiều thứ khác.
Tuy nhiên, nếu phải hạn chế giữa hai loại hình này, cần hướng tới hạn chế taxi truyền thống, khuyến khích cái hiện đại vì nó lợi ích, hiệu quả, an toàn, vì nó có dữ liệu và quản lý tốt hơn. Nếu cần có cơ sở để cơ quan thuế, ngành giao thông, chính quyền quản lý, tôi nghĩ rằng áp dụng công nghệ sẽ tốt hơn nhiều", Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Tuy nhiên, phản đối quan điểm này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM, cho rằng nói không cấm được là không đúng. Ở Việt Nam, kinh doanh vận tải phải có điều kiện. Muốn dùng công nghệ hay phương thức gì đi nữa thì cũng phải tuân thủ các điều kiện này. Nếu anh không đáp ứng được thì đương nhiên anh bị cấm.
Quản thế nào?
Mặc dù vậy, theo ông Tạ Long Hỷ, chuyện đáng bàn bây giờ là quản lý chứ không phải cấm. Dự thảo mới nhất vừa trình Chính phủ trong đó có những nội dung quản khá chặt, chu đáo. "Nếu thực hiện được thì sự cân bằng về điều kiện kinh doanh tương đối khá và bấy lâu nay chúng tôi đấu tranh cũng vì mục đích này", ông Hỷ nói.
Ông Hỷ thắc mắc, tại sao lái xe taxi được đào tạo quản lý rất chặt, lái xe công nghệ thì không? Ai dám đảm bảo 100% lái xe đều tốt, không có tội phạm hình sự trà trộn, không có những kẻ lợi dụng môi trường này để làm ăn phi pháp? Việc quản lý lái xe của Grab, Uber hiện đang như thế nào? Tại sao chúng tôi phải kiểm định kỹ thuật 6 tháng một lần nhưng bên kia thì 1,2 năm trong khi chúng tôi cũng dùng xe mới?
"Còn nếu bảo vệ Grab, Uber trên quan điểm đây là tận dụng xe nhàn rỗi thì tôi xin nói, ở Việt Nam thực chất 90% là đầu tư, mua xe mới để chạy Grab, Uber. Các nước có chuyện tranh thủ xe nhàn rỗi nhưng Việt Nam hoàn toàn xe đang hoạt động đầu tư", ông Tạ Long Hỷ nói và đề nghị: "Phải có sự công bằng giữa hai phía".
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Hà cũng cho rằng: Ứng dụng công nghệ là rất tích cực, tuy nhiên cần phải quản lý để hạn chế tiêu cực. Không thể thả nổi loại hình này, đặc biệt trong điều kiện giao thông của thành phố vẫn đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho hay, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mà Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì xây dựng đã tiếp thu nhiều ý kiến. Quan điểm là đưa ra các quy định để hài hoà lợi ích của các bên liên quan đến hoạt động vận tải, gồm khách hàng, doanh nghiệp, người lao động của các doanh nghiệp và lợi ích của quản lý Nhà nước từ lợi ích thuế đến quản lý vận tải.
Nghị định 86 có một nội dung rất mới sẽ điều chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải, đó là định nghĩa kinh doanh vận tải là gì, theo đó thì taxi truyền thống, taxi công nghệ hay đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng đối chiếu theo định nghĩa đó sẽ biết mình thuộc loại hình gì.
Về quản lý thuế, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 86 để tạo thành một mặt bằng chung, đưa khung chính sách chung để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, công bằng, không thất thoát.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, do yêu cầu của quản lý, sẽ phải sửa và ban hành ngay Nghị định 86 chứ không chờ sửa Luật Giao thông Đường bộ. "Tôi cam kết, Bộ Giao thông luôn cố gắng tạo môi trường bình đẳng, công khai minh bạch cho các thành phần tham gia kinh doanh vận tải", ông Lê Đình Thọ nói.