Thông tin được tiết lộ tại hội thảo "Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn hiệp định EVFT/CPTPP và sự hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam", do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM tổ chức ngày 7-12 tại TP HCM.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết đến thời điểm này Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 tỉ USD sản phẩm gỗ và lâm sản. Theo đó, cả năm có khả năng xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 9,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm trước.
Kể từ tháng 7-2018, xung đột thương mại Mỹ - Trung đã leo thang rất nhanh. Lúc đầu, có 818 diện mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế, trị giá khoảng 34 tỉ USD, mức thuế 25%, sau tăng lên 50 tỉ USD, cùng mức thuế 25%. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm gỗ nào bị đánh thuế trong số 50 tỉ này.
Đến tháng 9-2018, Mỹ quyết định đánh thuế bổ sung vào 200 tỉ USD xuất khẩu của Trung Quốc, mức thuế là 10%, dự kiến sẽ tăng lên 25% nếu Trung Quốc và Mỹ không đạt được thỏa thuận nào để chấm dứt xung đột. Gói 200 tỉ USD sau cùng này đã bao gồm một số sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ Trưởng Bộ Công Thương trình bày tham luận tại hội thảo
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ Trưởng Bộ Công Thương, cho biết nếu mức thuế chỉ là 10%, sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra ở những mặt hàng có biên lợi nhuận thấp như các loại ván dán, ván dăm. Nếu mức thuế là 25%, sự dịch chuyển sẽ diễn ra ở diện rộng hơn, bao gồm cả những mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn như đồ gỗ nội thất.
Nếu chuỗi cung ứng có lý do để tin rằng cuộc chiến thương mại còn kéo dài thì kể cả với mức thuế 10%, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc rất nghiêm túc về việc dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Và trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi bởi dù sao chúng ta cũng là nước xuất khẩu sản phẩm gỗ thứ 5 thế giới, khả năng chế biến gỗ đã được chứng minh.
"Nhưng một khi mức thuế vẫn được giữ ở mức 10% và Mỹ - Trung đã thống nhất không leo thang kể từ ngày 1-1-2019, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục chờ đợi. Dịch chuyển đơn hàng có thể vẫn diễn ra nhưng quy mô sẽ không đủ lớn để có thể gọi là "xu hướng". Cho tới giờ này, vẫn chưa có gì là chắc chắn cả. Khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận vẫn tồn tại. Bởi suy cho cùng, xung đột thương mại là không có lợi cho cả 2. Vì vậy, có lẽ vẫn còn quá sớm để coi xung đột thương mại Mỹ - Trung là "cơ hội lớn" cho ngành chế biến gỗ Việt Nam" – ông Khánh phát biểu tại hội thảo.
Cũng theo ông Khánh, một yếu tố nữa rất cần được lưu ý là nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây bởi người Mỹ sẽ không ngại ngần áp một mức thuế "chống lẩn tránh" lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam. Trên thực tế, Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra một vụ việc lẩn tránh thuế như vậy đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ván dán từ Việt Nam. Bộ Công Thương đang theo dõi sát vụ việc này và cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh mức thuế trên thị trường Mỹ hay không.