Hàng loạt "ông lớn" nhảy vào lĩnh vực công nghệ
Ngày 21/8, Tập đoàn Vingroup công bố định hướng trở thành một Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ, trong đó công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng chính. Thông báo này của Vingroup khiến nhiều người không khỏi bất ngờ: tại sao một tập đoàn nổi danh bởi bất động sản, du lịch và thương mại dịch vụ lại quyết định chuyển hướng sang một lĩnh vực chẳng-hề-liên-quan như công nghệ? Liệu với kinh nghiệm non nớt của mình, Vingroup có "làm nên trò trống" gì hay không?
Ấy vậy mà Vingroup đã đạt được hàng loạt thành tựu trong lĩnh vực công nghệ chỉ trong một thời gian chóng vánh. Tháng 10/2018, chiếc xe hơi đầu tiên của Việt Nam mang thương hiệu Vinfast được Vingroup trình làng tại Paris Motorshow. Chỉ hai tháng sau, Vingroup tiếp tục công bố dòng điện thoại thông minh Vsmart.
Một trong hai mẫu xe hơi mang thương hiệu VinFast của Vingroup
Và nay khi năm 2019 còn chưa đi được một nửa chặng đường, Vingroup đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của mình trong lĩnh vực công nghệ khi khởi động hàng loạt dự án mới như Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI - VinAI, khai trương Công ty VinTech tại Hàn Quốc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ, rót 1.000 tỷ đồng thành lập công ty VinBus vận tải hành khách bằng xe buýt điện, hay đầu tư 4.5 triệu USD để nghiên cứu giải mã gen người Việt.
Vingroup khai trương Công ty VinTech tại Hàn Quốc với mức đầu tư 11 triệu USD
Thế nhưng, Vingroup không phải tập đoàn duy nhất tại Việt Nam có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Năm 2019 này, Viettel mong muốn mình không chỉ là một tập đoàn mạnh trong mảng viễn thông, mà còn đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, xác định đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, trong đó có các dự án Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh…
Ngày 12/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử đầu tiên trên hệ thống do Viettel triển khai, đánh dấu bước tiến mới trong cuộc cách mạng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Hệ thống của Viettel giúp đơn giản hoá thủ tục quản lý văn bản, hồ sơ và công việc, phê duyệt và ban hành văn bản điện tử. Theo tính toán sơ bộ của Viettel, hệ thống có thể giúp Văn phòng Chính phủ tiết kiệm lên tới 1.100 tỷ đồng chi phí mỗi năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản điện tử trên hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc do Viettel triển khai
Viettel tập trung nghiên cứu các công nghệ như BigData, AI, Blockchain, IoT để tăng trải nghiệm khách hàng, trước mắt là áp dụng trên một số hệ thống như quản lý và chăm sóc khách hàng, ERP, phân tích dữ liệu thông minh, tri thức khách hàng... Tập đoàn này hy vọng công nghệ sẽ giúp ích trong những lĩnh vực có ý nghĩa lớn về xã hội nhưng ít người làm hoặc không có đủ nguồn lực làm để thực hiện như y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Giống như Vingroup và Viettel, AI, BigData hay Blockchain cũng là mối quan tâm của FPT trong suốt nhiều năm qua. Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của FPT trong việc áp dụng công nghệ vào đời sống là xe tự lái.
Mới đây, FPT đã chính thức công bố thử nghiệm xe tự lái tại khu đô thị, cư dân có thể đặt xe thông qua ứng dụng trên điện thoại, xe sẽ đến đón và trả khách đúng địa điểm mong muốn. FPT kỳ vọng xe tự lái có thể phục vụ đời sống con người và góp phần thúc đẩy thành phố thông minh ở Việt Nam. Trong tương lai, FPT lên kế hoạch đưa xe tự lái vào các khu công nghiệp, bên cảng, sân golf, khu campus...
FPT thử nghiệm xe tự lái trong khu đô thị
Vingroup, Viettel hay FPT chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch vào ngành công nghệ. Sở dĩ như vậy là do chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả cả doanh nghiệp, tổ chức phải chấp nhận sự thay đổi nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Tại hội thảo "Global Digital Transformation" (Chuyển đổi số toàn cầu) diễn ra hồi cuối tháng 4/2019 tại Hạ Long, Chủ tịch HĐQT FPT - Ông Trương Gia Bình nhận định: "Khách hàng đang thay đổi rất nhanh, họ dùng điện thoại, Internet và có nhu cầu nhiều hơn với sản phẩm, dịch vụ. Họ có thể chuyển sang nhà cung cấp khác chỉ với một cú chạm nếu không thỏa mãn. Trên thị trường, đối thủ cạnh tranh cũng liên tục thay đổi, ngày càng mạnh lên, vì vậy việc chuyển đổi số là bắt buộc với các doanh nghiệp".
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua
Trong thời đại 4.0, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà mọi doanh nghiệp phải theo đuổi. Công nghệ số đang dẫn dắt nền kinh tế trên toàn thế giới và trở thành ưu tiên phát triển hàng đầu của các quốc gia. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp, cũng như mở ra cơ hội bứt phá vươn lên cho những ai biết tận dụng. Như lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu: "Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường"
Những ngành xu hướng mới như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật) và Big Data đang là lĩnh vực chủ đạo được mọi doanh nghiệp theo đuổi trong quá trình chuyển đổi số. Nếu như AI kết hợp với IoT có thể thay thế hoặc thậm chí là còn làm tốt hơn con người ở một số việc, thì Big Data là lời giải cho bài toán về khối lượng dữ liệu và nguồn thông tin đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng trong hoạt động kinh tế.
Tiết kiệm chi phí và hiệu quả thời gian, mở rộng thị trường, thử nghiệm ý tưởng mới một cách nhanh chóng và chi phí hợp lý, tìm khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện tại là những lợi ích cơ bản nhất mà doanh nghiệp được hưởng từ việc chuyển đổi số. Với tính chất của từng lĩnh vực và mô hình kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ lại tìm ra những giá trị riêng trong hoạt động của mình.
Chính vì vậy Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright