Ngày 18/9 tới, 135 triệu cổ phiếu Trường Thành Group sẽ niêm yết lên sàn HOSE với mã là TTA, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 18.000 đồng/cổ phiếu.
Trường Thành Group dù là cái tên có phần xa lạ, nhưng lại là một "ông lớn" khi sở hữu danh mục 6 dự án năng lượng với tổng vốn lên đến 6.791 tỷ đồng. Không những vậy, Trường Thành Group còn lên kế hoạch đầu tư, nâng công suất điện tái tạo lên 992 MW tới năm 2025.
Hành trình đến "cuộc chơi" năng lượng tái tạo
Khởi sự từ thành công của dự án nhà máy thủy điện Suối Sập 2 (huyện Phú Yên, tỉnh Sơn La) trong giai đoạn 2004 - 2007, các nhân sự chủ chốt của Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành (chủ đầu tư dự án) vào năm 2008 đã quyết định thành lập CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group). Động thái mở đường bước vào lĩnh vực sản xuất, vận hành các công trình điện năng.
Với những kinh nghiệm tích lũy từ thực hiện dự án thủy điện Suối Sập 2, Trường Thành Group đã có dự án đầu tay là nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2, tổng kinh phí đầu tư 1.501 tỷ, công suất lắp máy 48 MW. Đầu năm 2015, dự án đã chính thức đi vào vận hành.
Nối tiếp thành công của thủy điện Ngòi Hút 2, vào năm 2016, dự án thủy điện Ngòi Hút 2A của Trường Thành Group được vận hành với công suất 8,4MW, cung cấp sản lượng điện 30 triệu Kwh/năm.
Cũng trong khoảng thời gian này, năng lượng tái tạo (hay còn gọi là năng lượng sạch) đã dần trở thành xu thế phát triển mới khi có nhiều ưu thế vượt trội so với nguồn năng lượng truyền thống. Nắm bắt được điều này, Trường Thành Group là số ít các công ty tư nhân trong ngành điện Việt Nam chuyển mình và đẩy mạnh phát triển, đa dạng nguồn điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Dấu mốc là vào năm 2018, khi Trường Thành Group khởi công xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, công suất 61,776 MWp. Khoảng 1 năm sau, cụ thể là vào quý IV/2019, dự án đã bắt đầu vận hành thương mại.
Chưa dừng lại ở đó, công ty còn thực hiện 2 dự án năng lượng tái tạo khác là điện mặt trời Hồ Núi Một 1 công suất 50 MWp và điện gió Phương Mai 1 công suất 30 MW (dự kiến sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2020-2021). Ngoài ra, Trường Thành Group cũng dự kiến đưa nhà máy Thủy điện Pá Hu hòa vào lưới điện quốc gia với công suất 26 MW vào ngày 20/9/2020, ngay sau khi niêm yết.
Với những kế hoạch kể trên, giới đầu tư nhận định, việc niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE của Trường Thành Group là bước đi hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp cần tiếp cận các kênh huy động vốn nhằm hiện thực hóa nhiều dự án triển vọng trong tầm nhìn 2020 – 2025.
Mặt khác, được chấp thuận lên sàn HOSE (đáp ứng các quy định khắt khe về chất lượng doanh nghiệp niêm yết) đồng nghĩa Trường Thành Group đã nhận thêm điểm cộng trong mắt giới đầu tư, qua đó vị thế và giá trị thương hiệu doanh nghiệp sẽ được nâng cao.
"Cú huých" lợi nhuận từ dự án năng lượng tái tạo
Như đã nói, sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo trong những năm gần đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi xu hướng phát triển xanh, sạch, bền vững ngày càng được chú trọng.
Đặc biệt, trong bối cảnh mảng kinh doanh thủy điện chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do El Nino, phát triển các dự án điện mặt trời và phong điện được đánh giá là nước đi hợp lý khi vừa giúp Trường Thành Group tận dụng những biến động thất thường của thời tiết, vừa đảm bảo dòng tiền kinh doanh ổn định trong tương lai.
Được biết, dự án Điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ và Điện mặt trời Hồ Núi Một 1 của công ty đều được xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, một trong những tỉnh có nguồn bức xạ lớn nhất cả nước – điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời trong khu vực.
Bên cạnh đó, tất cả các dự án đã hoàn thành của Trường Thành Group đều nhận được ưu đãi về thuế. Đơn cử, dự án Ngòi Hút 2 được áp dụng thuế suất TNDN 10% và được giảm 50% thuế TNDN trong 9 năm, năm 2019 là năm đầu dự án được hưởng ưu đãi thuế này; dự án Ngòi Hút 2A áp dụng thuế suất TNDN 10%, miễn thuế TNDN đến năm 2021, 9 năm tiếp theo từ năm 2021 giảm 50% thuế TNDN.
Trong khi đó, do thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, dự án nhà máy điện Hồ Núi Một 1 được áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động dự án; được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ được áp dụng thuế suất 10%, miễn thuế TNDN đến năm 2022 và giảm 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.
Ngoài ra, 2 dự án kể trên còn được cộng hưởng một số ưu đãi trong phát triển điện mặt trời.
Cụ thể, nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD và được áp dụng tới 20 năm kể từ thời điểm bắt đầu vận hành.
Trong khi đó, dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 của công ty bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 10/2020. Đáng chú ý, dự án cũng sẽ được áp dụng ưu đãi như nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ.
Sau nửa đầu năm 2020, dự án nhà máy Điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ được đánh giá là nhân tố giúp doanh thu/lợi nhuận Trường Thành Group tăng trưởng, bất chấp các ảnh hưởng tiêu cực từ El Nino và đại dịch COVID-19.
Cụ thể, BCTC bán niên 2020 của Trường Thành Group cho biết, doanh thu (100% doanh thu bán điện) đạt hơn 169,6 tỷ đồng, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ đó, lãi sau thuế công ty đã tăng hơn 91,5% lên gần 42,2 tỷ đồng.
Cũng bởi vậy, việc dự án Điện mặt trời Hồ Núi Một 1 dự kiến đi vào vận hành thương mại vào tháng 10/2020 được kỳ vọng sẽ trở thành "cú huých" doanh thu/lợi nhuận tiếp theo của Trường Thành Group.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề ra kế hoạch tăng cường đầu tư dự án điện gió Phương Mai 1, đặt mục tiêu hoàn thành trong quý IV/2021 để hưởng những ưu đãi trong chính sách phát triển điện gió của Chính phủ, khẳng định vị thế của Trường Thành Group trong lĩnh vực năng lượng tái tạo./.