Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết việc bàn giao dựa trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành. Thứ trưởng mong muốn dưới sự quản lý phần vốn Nhà nước của SCIC, các tổng công ty sẽ hoạt động tốt hơn, đáp ứng được định hướng của Nhà nước và doanh nghiệp, gia tăng giá trị phần vốn nhà Nước tại doanh nghiệp.
Theo Biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp từ Bộ Xây dựng được chuyển giao về SCIC lần này là 5.876,835 tỷ đồng. Cụ thể, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP là 312.377.480.000 đồng, chiếm 87,32% vốn điều lệ. Tổng công ty Sông Đà - CTCP là 4.485.961.120.000 đồng, chiếm 99,79% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 - CTCP là 509.001.000.000 đồng, chiếm 40,08% vốn điều lệ. Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (VIWASEEN) là 569.495.000.000, chiếm 98,16% vốn điều lệ.
Việc chuyển giao được thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2020 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.
Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành
Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh việc SCIC luôn thực hiện áp dụng quản trị doanh nghiệp tốt nhất, gắn liền với việc phối hợp chặt chẽ với các cổ đông dựa trên các nguyên tắc kinh tế thị trường, đảm bảo phần vốn nhà nước được bảo toàn và phát huy.
Các doanh nghiệp từ Bộ Xây dựng sau khi được bàn giao sang SCIC sẽ được SCIC hỗ trợ tối đa từ các lợi thế của mình trong quản trị doanh nghiệp và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp do SCIC quản lý.
Đây được coi là lần bàn giao lớn nhất của Bộ Xây dựng cho SCIC với tổng số vốn lên đến gần 6.000 tỷ đồng, cũng như hàng chục nghìn lao động. Các doanh nghiệp được chuyển giao lần này đều là những doanh nghiệp có lịch sử và bề dày gắn bó với ngành xây dựng, cùng với nhiều giá trị quan trọng khác.