Sau ba thập kỷ xây dựng các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, CEO Larry Sloven đã giúp Capstone International HK Ltd - công ty sản xuất thiết bị chiếu sáng chuyển hướng sản xuất.
Chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã tăng lên ngay cả trước chiến tranh thương mại, nhưng mức thuế 25% đối với các sản phẩm chiếu sáng mà công ty xuất khẩu trở lại Mỹ đã dẫn họ đến một sự thay đổi đã được đưa ra trong 18 tháng trước - chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan.
Giờ đây, mặc dù thời gian để lên kệ tại các cửa hàng ở Mỹ có thể mất tới 40 ngày từ Thái Lan, gần gấp đôi so với từ Trung Quốc, thì cũng rất ít nhà bán lẻ sẵn sàng trả giá cao để tiếp tục sản xuất Quảng Đông.
"Kể cả trong trường hợp các khoản thuế quan biến mất ngay ngày mai, thì hầu hết các công ty cũng sẽ không quay trở lại Trung Quốc", ông nói. "Tuy nhiên tôi không tin rằng hầu hết các nhà bán lẻ ở Mỹ đều hiểu quá trình này và những gì nhà cung cấp phải trải qua". Các công ty quốc tế đều chấp nhận thực tế rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không cải thiện một cách đáng kể việc sản xuất ở Trung Quốc.
Chi phí lao động và môi trường tăng cao, môi trường pháp lý phức tạp, mối đe dọa thuế quan còn treo lơ lửng, các công ty đang nhận thức rõ hơn bao giờ hết rủi ro liên quan đến sống và làm việc, hay sản xuất ở Trung Quốc.
"Đây là bước đệm đúng đắn, chỉ là sự khởi đầu", Sloven nói về dự định ở Thái Lan. "Tôi tin rằng Việt Nam đã có rất nhiều công ty ở đó. Xây dựng nhà máy ở Việt Nam giờ cũng giống như đi mua đồ vậy, bạn sẽ phải xếp hàng chờ. Ngay bây giờ, ở Thái Lan thì chưa phải xếp hàng, nhưng sớm muộn rồi nó cũng sẽ bão hòa".
Là kết quả trực tiếp của thuế quan chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã tụt lại phía sau Mexico và Canada và tụt hạng trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ. Trước chiến tranh thương mại, Trung Quốc là số một.
Thuế quan cho thấy thương mại thặng dư hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ giảm 7,9% trong tháng 11, theo dữ liệu do Cục điều tra dân số Mỹ công bố. Điều này xảy ra trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 20,84% so với cùng kỳ, bao gồm các mặt hàng quan trọng như điện thoại di động. Lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2013.
Đồng thời, so với tháng 6/2018, một tháng trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, nhập khẩu hàng Việt của Mỹ đã tăng 51,6%, Thái Lan 19,7%, Malaysia 11,3%, Indonesia 14,6%, Đài Loan 30% và Mexico 12,7%, theo tính toán của South China Morning Post dựa trên dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ tháng 11.
Nếu có bất kỳ sự lạc quan trong năm mới về mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, thì đó là nguồn cung khan hiếm giữa các nhà sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc.
"Đối với việc xuất khẩu sang Mỹ, cuộc chiến thương mại, trong suốt thời gian qua, đã gửi thông điệp rằng: những tác động của cuộc chiến sẽ không biến mất và họ cần phải suy nghĩ lại về những điều đó", ông John Evans, CEO Tractus Asia, nói. Ông Evans - người tư vấn cho các công ty chuyển địa điểm từ Trung Quốc, nói rằng thậm chí khi Mỹ và Trung Quốc công bố thỏa thuận giai đoạn một, nhiều công ty còn tìm đến ông hơn.
Vẫn còn một số công ty còn đang quan sát, thậm chí vào quý cuối năm ngoái, tất cả đều tưởng rằng sẽ có một biến động lớn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, nhưng thực tế thì điều đó đã không xảy ra. Những căng thẳng đã đẩy một danh sách dài các công ty tên tuổi ra khỏi Trung Quốc. Một số công ty khác thì chọn giữ sự hiện diện ở Trung Quốc để tiếp tục bán cho thị trường nội địa nhưng mở rộng quy mô hoạt động để xuất sang Mỹ.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều công ty rời khỏi Trung Quốc vào năm 2020 hơn so với năm 2019", Dan Harris, nhà sáng lập Harris Bricken, một công ty luật quốc tế làm việc rộng rãi ở Trung Quốc, viết trong một bài đăng trên blog.
Giám đốc tại một công ty cung cấp phụ kiện cho Apple - người đã yêu cầu ẩn danh vì sự nhạy cảm của chủ đề - cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ này đã nói với họ rằng họ nên có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc nếu muốn được tiếp tục làm nhà cung cấp, họ buộc phải thăm dò các địa điểm sản xuất mới ở Đông Nam Á.
Các nhà xuất khẩu khác chưa phải đối mặt với thuế quan chiến tranh thương mại của Mỹ cũng đang thực hiện kế hoạch dự phòng do chi phí tăng và không thể đoán trước được của Trung Quốc. Không chỉ là các công ty Mỹ, mà còn là các công ty từ khắp nơi trên thế giới.
Allar Peetma là CEO Estonia Gerardo's Toys, chuyên sản xuất ngựa bập bênh ở một nhà máy gần Thượng Hải. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ông là Mỹ và các sản phẩm của ông đã phải đối mặt với mức thuế 15% vào ngày 15/12. Khoản thuế đã bị hoãn vô thời hạn với thông báo về thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng Peetma dường như không yên tâm hơn.
"Các chi phí của chúng tôi đang tăng lên, nhưng khách hàng của chúng tôi vẫn muốn giữ nguyên giá và họ không hiểu rằng các chi phí đang tăng lên", ông nói. "Kế hoạch của chúng tôi là sản xuất tại EU. Chúng tôi có thể sử dụng tự động hóa - cho phép chúng tôi giữ chi phí và giá như cũ. Và đem lại chất lượng cao hơn so với làm thủ công ở Trung Quốc. Thị trường lớn nhất của chúng tôi là Mỹ, vì vậy thuế quan tất nhiên là một điều đáng lo ngại. Nhiều quốc gia khác cũng có thuế nhập khẩu cao đối với hàng Trung Quốc, như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ".
"Thỏa thuận 15/12 là một tin tốt cho chúng tôi", Giám đốc điều hành Pascal Comte cho biết, nhưng ông đã nghĩ đến những gì có thể xảy ra tiếp theo. "Trong ngắn hạn, bạn không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi điều đó, bạn phải trả giá và nó ảnh hưởng đến doanh số. Chắc chắn dài hạn, hoặc trung hạn, lựa chọn tốt nhất là Việt Nam. Phải mất một thời gian để chuyển công cụ, và để tìm kiếm nhân lực".