LTS: Việc du khách Hàn Quốc ùn ùn đến Đà Nẵng thời gian qua là tín hiệu vui. Nó cho thấy địa phương này đang hấp dẫn khách Hàn Quốc. Tuy vậy, lượng khách quốc tế tăng cũng tiềm ẩn nhiều mối lo mà Đà Nẵng phải đối mặt.
Một số hướng dẫn viên (HDV) tiếng Hàn tiết lộ với PV là số công ty Hàn Quốc đang hoạt động du lịch chui tại Đà Nẵng lên đến cả trăm. Từ thông tin này, chúng tôi quyết định vào cuộc để làm rõ thực hư.
Đủ chiêu mở công ty chui
Tùng, 23 tuổi, quê Quảng Nam, làm HDV tự do cho khoảng 10 công ty Hàn Quốc tại Đà Nẵng gần một năm nay (tên một số HDV trong bài đã được thay đổi - PV). “Tên công ty và chủ công ty đều của Việt Nam nhưng thực tế mọi hoạt động do người Hàn điều hành. Người Việt đứng tên chỉ là bình phong” - Tùng tiết lộ.
Xâm nhập thực tế, chúng tôi nhận thấy những công ty Hàn Quốc tồn tại dưới hai hình thức.
Một là các công ty hoạt động chui do người Hàn làm chủ. Các công ty này thường mua lại khách từ các công ty du lịch lớn tại nước này, sau đó liên kết với với công ty Việt Nam để chạy các tour khép kín. Công ty Hàn gần như trực tiếp lo từ A đến Z, công ty Việt chỉ có vai trò lên chương trình, soạn hợp đồng pháp lý và hỗ trợ các dịch vụ nếu được yêu cầu.
Hai là ông chủ Hàn sẽ thuê người Việt đứng ra thành lập công ty có đầy đủ giấy tờ pháp lý để hoạt động. Những công ty dạng này không nhiều vì thủ tục thành lập công ty lữ hành quốc tế mất nhiều thời gian, công sức.
Từng làm HDV cho công ty chui của Hàn Quốc, Linh cho hay để tiết kiệm chi phí, các ông chủ Hàn thường thuê chung một căn hộ, sau đó mở ra hai, ba công ty để đón khách.
Theo một HDV kỳ cựu mảng Hàn Quốc tại Đà Nẵng, cách đây hai năm TP có khoảng 60 công ty, văn phòng Hàn Quốc hoạt động trái phép, giờ thì lên đến cả trăm. “Tôi cho rằng cơ quan chức năng biết nhưng chưa tìm ra phương án quản lý. Hơn nữa họ tìm mọi cách để lách luật nên càng khó, “ngửi” thấy mùi bị kiểm tra là đổi chỗ liền” - anh này nói.
Khách du lịch Hàn Quốc tham quan chùa Linh Ứng và Hội truyền giáo thánh Cao Đài. Ảnh: T.AN
Trưởng đoàn Hàn Quốc đang thuyết minh với khách tại Bà Nà Hills. Ảnh: HD
Trốn thuế, thất thu
Nói tốt tiếng Hàn, T. hiện nhận khách lẻ từ nhiều công ty khác nhau, chủ yếu là công ty G. “Chạy một tour thường phải có chương trình, hợp đồng kèm theo nhưng các công ty em nhận làm gần như không làm hợp đồng để trốn thuế. Em với điều hành tour có khi chỉ thỏa thuận miệng, công an bắt được tự chịu nộp phạt, còn không thì thôi. Có nhiều điều hành tour cũng là HDV luôn, nếu em gặp họ tại các điểm du lịch thì hai bên thanh toán tiền luôn, không cần qua công ty” - T. chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiêu thức đơn giản để trốn thuế là khai giảm số tour. Ví dụ, một tháng đi 100 tour thì chỉ làm hợp đồng 10 tour. Có những tour khách chỉ thuê xe, không cần hướng dẫn hoặc chỉ thuê tài xế thì công ty vẫn có tiền nhưng không kê thêm các khoản này vào doanh thu. Các công ty du lịch khách Hàn đều dùng chiêu này.
Anh Phan Văn Hiếu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thị trường khách Hàn Quốc, thẳng thắn nói rằng cơ quan chức năng rất khó có thể quản lý, kiểm soát các công ty chui của Hàn Quốc. “Sở Du lịch từng nhờ chúng tôi thống kê số lượng nhưng không làm nổi vì quá nhiều, cứ 2-3 tháng họ lại đổi địa điểm một lần. Mình muốn phạt cũng không được vì đâu biết địa chỉ. HDV nhận tour cho công ty A, văn phòng B nhưng cũng không biết địa chỉ ở đâu, tên gì vì chỉ làm việc với điều hành Việt thôi. Thỏa thuận xong thì đến công ty Việt đóng dấu, chạy tour và nhận tiền là hết” - anh Hiếu cho hay.
Nói về lý do công ty Hàn có đất diễn, anh Hiếu cho rằng đó là do các công ty Việt Nam chưa thể trực tiếp khai thác khách từ tổng công ty ở Hàn Quốc mà chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ cho các chi nhánh. “Hàn Quốc có chiến lược phát triển du lịch cực kỳ khôn ngoan. Các công ty du lịch lớn thường thâu tóm khách trong nước, công ty nước ngoài khó chen chân vào được. Kết quả là người dân nước họ sang mình du lịch nhưng mình giống như làm thuê, nguồn tiền chính thu được từ du lịch lại tuồn về Hàn Quốc, mình chỉ nhận được phần nhỏ. Thái Lan trước đây nhận ra vấn đề này và lập tức chọn siết chặt, loại bỏ các công ty chui Hàn, kiên quyết không cho trưởng đoàn Hàn dẫn tour” - anh Hiếu chia sẻ.
Theo anh Hiếu, sở dĩ Thái Lan làm mạnh tay là do quốc gia này có sẵn nguồn khách thay thế thị trường khách Hàn. Đây mới là chiến lược phát triển du lịch lâu dài mà chúng ta nên học tập. Tuy nhiên, hy sinh khách Hàn lúc này thì sẽ đánh sập ngành du lịch Đà Nẵng vì hiện chưa có nguồn khách thay thế.
“Điều đáng buồn là lượng khách đến Đà Nẵng dù đông nhưng số tiền TP thu được không đáng bao nhiêu, không tương xứng với mức tăng lượng khách trên thực tế” - Hiếu nói.
Người nói có, kẻ bảo không
Trao đổi với PV, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay có khoảng 40 công ty Việt khai thác thị trường Hàn Quốc tại Đà Nẵng. "Tình trạng công ty du lịch chui thì điểm nào cũng có chứ không riêng Đà Nẵng. Việc làm chui có thể vẫn xuất hiện nhưng không phổ biến ở Đà Nẵng. Chúng ta vẫn có thể kiểm tra, kiểm soát và điều chỉnh được" - ông Dũng khẳng định.
PV đặt câu hỏi: Ông nghĩ sao khi các HDV chúng tôi tiếp xúc đều nói số công ty này lên đến cả trăm? Ông Dũng đáp: "Không! Có thể HDV vì quyền lợi của họ nên nói thế thôi. Còn thị trường Hàn Quốc nằm trong tay một số công ty lớn và khách đi lẻ thì không việc gì phải đi qua chỗ chui cả. Công ty Việt nào chống lưng cho công ty làm chui thì cũng không khó phát hiện. Theo đánh giá của hiệp hội thì tình trạng này không còn tồn tại nhiều đâu".
700 người Hàn Quốc núp bóng du lịch
Mới đây, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp du lịch và HDV. Tại đây, Thượng tá Huỳnh Đức Ngô, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng, đánh giá bên cạnh mặt tích cực, lượng khách quốc tế tăng cũng tiềm ẩn nhiều mối lo mà TP phải đối mặt. Một số người nước ngoài vào Việt Nam bằng hình thức du lịch nhưng thực chất lại hoạt động lữ hành trái phép, HDV trái phép, cho vay nặng lãi, khám chữa bệnh trái phép.
Lực lượng công an cũng đã phát hiện hơn 700 người Hàn Quốc núp bóng du lịch để hành nghề HDV chui, một số núp bóng DN thực hiện các hành vi trái phép. Một số cá nhân, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trên địa bàn đang thu tiền để bảo lãnh, bao che cho người nước ngoài vào Việt Nam nhưng không quản lý dẫn đến họ có những hoạt động trái phép. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm công ty lữ hành bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam nhưng không quản lý được.