Thị trường vận tải taxi đang cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Taxi truyền thống gặp nhiều khó khăn từ khi các hãng taxi công nghệ xuất hiện, cuộc chiến không cân sức này đã gây thiệt hại rất lớn cho các đơn vị taxi truyền thống.
Sáp nhập để cạnh tranh với taxi công nghệ
Nhiều hãng taxi tuyền thống phải từ bỏ cuộc "chơi" này, số còn lại đã phải tốn nhiều công sức để "đòi" sự công bằng cũng như tìm hướng đi mới.
Để tồn tại, mới đây một số hãng taxi tuyền thống tại Hà Nội đã liên kết, sáp nhập lại với nhau để tạo lợi thế cạnh tranh với các hãng taxi khác, nhất là cạnh tranh với xe công nghệ như Grab. Theo đó 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội đã chính thức sáp nhập trong tuần qua và được đặt tên là G7 Taxi.
G7 Taxi ra đời từ việc tập hợp những đơn vị taxi nhỏ lẻ.
G7 Taxi ra đời từ việc tập hợp những đơn vị nhỏ lẻ về một mối tạo lượng xe đủ lớn, thêm lợi thế cạnh tranh khi khách hàng gọi xe được dễ dàng hơn. Mức cước G7 Taxi được áp dụng khá thấp - từ 9.900 đồng/km, cam kết không áp dụng tăng giá giờ cao điểm. Thay đổi bằng cách đầu tư vào công nghệ, nâng chất lượng dịch vụ và giảm giá để giữ chân khách hàng là cách taxi truyền thống trụ lại trên thị trường...
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc G7 Taxi, Hà Nội hiện có 70 hãng taxi với khoảng 17.000 xe. Do có quá nhiều đơn vị taxi nên mạnh ai nấy hoạt động, số lượng xe của mỗi hãng là quá ít, không đủ sức cạnh tranh với taxi công nghệ như Grab. Chỉ một số ít hãng taxi có trên 1.000 xe. Tham khảo một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp.., họ cũng tập hợp nhiều hãng taxi lại và tạo ra thế mạnh không chỉ về số lượng đầu xe, giá cước cạnh tranh và cả việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động. Từ những mô hình trên, G7 Taxi đã hình thành. Và G7 Taxi cũng được hoạt động theo mô hình là đơn vị chỉ phát triển thương hiệu mà không sở hữu một phương tiện nào.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết khu vực Hà Nội có quá nhiều hãng taxi nên hoạt động không hiệu quả, cần phải thay đổi để tồn tại, phát triển. Các hãng taxi đang tập trung "nghe ngóng" nhằm chọn lựa cho mình một mô hình phù hợp. Các đơn vị taxi có quy mô nhỏ buộc phải sáp nhập là tất yếu, như câu chuyện G7 Taxi.
Đến lượt ứng dụng gọi xe thuần Việt cạnh tranh với Grab, Go Viet...
Trên thị trường vận chuyển taxi gần đây, không chỉ là cuộc chiến giữa taxi truyền thống với công nghệ mà ngay giữa những ứng dụng gọi xe cũng ngày càng khốc liệt.
Mới đây, một ứng dụng gọi xe thuần Việt đã ra mắt, dự kiến sẽ hoạt động chính thức từ ngày 17-12 tại Hà Nội và TP HCM với 2 dịch vụ đầu tiên là be Bike và beCar.
Cuộc chiến giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ ngày càng gay gắt không chỉ có Grab, Go Viet... Ảnh: Nguyễn Hải
Thị trường vừa có thêm một ứng dụng gọi xe thuần Việt. Ảnh: Linh Anh
Nói về lợi thế của Be - "tân binh" vừa gia nhập thị trường gọi xe công nghệ, lãnh đạo Công ty cổ phần BE GROUP, nhìn nhận ứng dụng gọi xe này được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư người Việt có thâm niên làm việc tại cá quốc gia công nghệ phát triển và những tập đoàn lớn. Nhờ vậy, Be là sự kết hợp giữa công nghệ và sự thấu hiểu tâm lý khách hàng Việt. Đây là một sản phẩm thuần Việt, từ ý tưởng sáng tạo đến thiết kế, vận hành.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc BE GROUP, tin rằng với sự hợp tác của đối tác tài xế chuyên nghiệp cùng với mô hình kinh doanh hiện đại, minh bạch, thấu hiểu tâm lý người Việt… sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. Về trách nhiệm pháp lý giữa Be và đối tác tài xế và khách hàng, công ty này cũng khẳng định sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp của họ ở mức cao nhất khi có vấn đề xảy ra.
"Với Be, chúng tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm với ưu thế vượt trội về chất lượng dành cho khách hàng, một chế độ tốt hơn, tử tế hơn cho đối tác tài xế, cho thấy người Việt có đủ tiềm lực, khả năng và đam mê để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ứng dụng gọi xe nước ngoài khác trên sân nhà. Việc hợp tác chiến lược với đối tác ngân hàng, bảo hiểm nhằm mục đích tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ đối tác tài xế tối đa để họ có thể yên tâm mang lại những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng" - ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Được biết, Be đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, một điểm khác biệt rất lớn so với các ứng dụng gọi xe hiện nay trên thị trường. Theo lãnh đạo BE GROUP, công ty đã xây dựng một chương trình đào tạo tự nguyện cho các đối tác tài xế để có thể nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và sự chuyên nghiệp qua mỗi khóa học. Đây cũng là ứng dụng gọi xe xây dựng một chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 như chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị… cho toàn bộ các đối tác tài xế.
Cái bắt tay giữa taxi truyền thống và công nghệ
Một xu hướng khác trong bối cảnh cạnh tranh, nhiều hãng xe công nghệ trong nước đã có sự liên kết với taxi truyền thống ở các địa phương. Ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net, cho biết T.Net đã liên kết với hãng taxi truyền thống ở các địa phương, cung cấp phần mềm cho họ sử dụng chung hoàn toàn miễn phí, nhiều hãng taxi ở các địa phương đã tham gia và đạt kết quả tốt. Một số hãng xe công nghệ khác cũng đang xúc tiến đàm phán với hãng taxi truyền thống nhằm cung cấp phần mềm với mức phí phù hợp, không tốn chi phí quản lý, con người, được cung cấp dịch vụ công nghệ có sẵn… để gia tăng lợi thế, sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, nhận định việc sáp nhập các hãng taxi truyền thống thành thương hiệu hoàn toàn mới như "G7 Taxi" đánh dấu bước ngoặt cho ngành kinh doanh taxi. Và sắp tới sẽ còn có thêm nhiều mô hình khác ra đời đủ sức cạnh tranh với xe công nghệ.