Theo thông tin mới đây, John McAfee (75 tuổi), nhà sáng lập công ty phần mềm chống virus McAfee, đã qua đời trong tù, khả năng cao là do tự tử. Tháng 10/2020, ông bị bắt giam tại Tây Ban Nha.
Cái chết của ông xảy ra vào cuối ngày 23/6, chỉ ít giờ sau khi tòa án Tây Ban Nha chấp thuận yêu cầu dẫn độ McAfee về Mỹ. Tại đây, ông đối mặt với cáo buộc về gian lận thuế và bơm thổi tiền số với mức án lên tới 30 năm.
Dưới đây là một số thông tin về cuộc đời nhiều biến động của McAfee:
John David McAfee sinh ngày 18/9/1946 tại Anh nhưng sau đó gia đình ông đã chuyển đến Virginia (Mỹ). McAfee có tuổi thơ khá "dữ dội" bởi cha của ông là kẻ nghiện rượu. Năm ông 15 tuổi, người cha tự sát.
Lớn lên, McAfee theo học Cao đẳng Roanoke. Việc kinh doanh đầu tiên của ông là gõ cửa từng nhà và bán tạp chí. Nó giúp ông tích lũy được một khoản tiền nhỏ. Đến cuối những năm 1960, ông làm việc cho một công ty mã hóa hệ thống thẻ đục lỗ. Tại đây, ông học được những kiến thức cơ bản về máy tính. Nhờ đó, ông xin được việc tại công ty tàu hỏa Missouri Pacific – nơi ông từng dùng máy tính để điều chỉnh lịch trình tàu.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, ông bắt đầu uống rượu và thử một số loại chất kích thích. Khi bị phát hiện, McAfee mất việc.
Những năm 1970, ông chuyển đến Thung lũng Silicon và đảm nhiệm nhiều vị trí tại các hãng công nghệ khác nhau. Duy chỉ có một điều không thay đổi là ông vẫn làm bạn với rượu và ma túy.
Tình trạng trên kéo dài đến năm 1983. Sau khi tỉnh ngộ, McAfee đầu quân cho Lockheed. Thời điểm này, máy tính vẫn còn là một thứ tương đối mới mẻ. Năm 1986, virus đầu tiên tấn công máy tính.
Nhân cơ hội đó, McAfee tìm hiểu thêm và mở công ty cung cấp phần mềm diệt virus. Không lâu sau, công ty phát triển nhanh chóng. Đến cuối thập niên 80, hãng kiếm được 5 triệu USD/năm và có khách hàng là nhiều công ty lớn.
Khi virus máy tính Michelangelo xuất hiện năm 1992, McAfee lại càng thành công bởi nó đã tạo ra một cơn sốt bảo vệ máy tính. Công ty do ông thành lập tăng trưởng nhanh và chẳng mấy chốc trở thành doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD.
Năm 1994, McAfee rút khỏi công ty. Năm 1996, ông bán cổ phiếu, thu về 100 triệu USD. Sau khi từ chức, ông theo đuổi một số dự án riêng nhưng không gây được sự chú ý như công ty phần mềm diệt virus.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 được cho là đã khiến tài sản của McAfee giảm từ 100 triệu USD xuống còn 4 triệu USD. Cuối những năm 2000, ông bán đất và chuyển tới Belize. Tại đó, ông mở công ty Quorumex với niềm tin có thể tại ra sản phẩm từ thực vật chống lại bệnh tật.
Thế nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên kỳ lạ với McAfee. Ông luôn cho rằng mình bị theo dõi ở mọi nơi. Sau đó, ông sống khép kín hơn và nói rằng bản thân không còn kết nối với xã hội. Ông thậm chí còn tiểu tiện công khai vào ban ngày tại Belize.
Căn nhà của McAfee tại Belize.
Năm 2012, McAfee bị coi là người có liên quan trong vụ việc một người hàng xóm bị bắn chết. Ông bỏ trốn khi bị chính quyền điều tra. Ông bị bắt tại Guatemala sau khi một phóng viên của Vice đi theo ông để phỏng vấn và đăng ảnh ông kèm thông tin GPS. McAfee bị bắt với tội nhập cảnh trái phép. Khi đó, ông gặp nhiều vấn đề về tim mạch. Cuối cùng, ông bị trục xuất và đưa về Mỹ.
Sau những lùm xùm trên, McAfee trở thành nhân vật được truyền thông săn đón. Mọi người đều tò mò về việc ông đã ở đâu, làm gì và có bị điên hay không. McAfee trong khi đó lại tự làm khó mình bằng nhiều hành vi kỳ quặc. Năm 2013, ông đăng video hướng dẫn cách gỡ bỏ phần mềm diệt virus McAfee. Video thậm chí còn ám chỉ việc dùng súng và ma túy.
Tháng 8 năm đó, McAfee bị bắt vì lái xe lúc say rượu và sở hữu súng trái phép. Tháng 9/2015, ông nộp hồ sơ tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 và tuyên bố thành lập Đảng riêng mang tên "The Cyber Party". Kết quả là ông không được đề cử. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm CEO của MGT – một công ty công nghệ bí ẩn.
Tháng 10 năm ngoái, ông bị bắt ở Tây Ban Nha với cáo buộc trốn thuế trong 4 năm dù kiếm được hàng triệu USD từ tiền số, việc cố vấn cũng như bán thông tin đời tư. Đến tháng 3 năm nay, ông gánh thêm tội lừa đảo, rửa tiền. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông và đối tác đã lừa các nhà đầu tư hơn 13 triệu USD vì quảng bá sai sự thật về tiền số.
Nguồn: BI