Thái Diên Minh (Tsai Eng Meng) cất tiếng khóc chào đời vào một ngày đẹp trời giữa tháng Giêng năm 1957 tại Đài Loan (Trung Quốc). Có lẽ những người thân trong gia đình cậu bé thuộc chòm sao Ma Kết này cũng không để ý lắm đến lời tiên đoán rằng, đây là cung số của người làm chủ.
Đúng 60 năm sau, người đàn ông hiện thân của con dê núi trong thần thoại Hy Lạp đã được tạp chí Forbes vinh danh là một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng khổng lồ 5,9 tỷ đô la Mỹ tại thời điểm tháng Một năm 2017.
NGƯỜI THỪA KỀ 19 TUỔI VÀ BƯỚC NGOẶT BẤT NGỜ
Là quý tử của nhà sáng lập Công ty Công nghệ thực phẩm I Lan chuyên kinh doanh sản phẩm cá hồi đóng hộp (tiền thân của tập đoàn Want Want đình đám hiện nay), Thái Diên Minh được bố mình là ông Tsai A-Shi trao quyền để chính thức trở thành chủ tịch của công ty gia đình ở tuổi 19.
Ngay khi tiếp quản công ty, ông chủ trẻ đã thực hiện một "cuộc cách mạng" táo bạo bằng cách thay thế sản phẩm thực phẩm đóng hộp truyền thống của doanh nghiệp do bố mình gầy dựng từ năm 1962 bằng một dòng sản phẩm không mấy liên quan: Bánh gạo.
Nhận thấy loại bánh làm từ bột mì mà người dân Đài Loan sử dụng từ những năm 1970 thường tốn nhiều thời gian trong khi hạn sử dụng lại quá ngắn, Thái Diên Minh cho rằng, cần phải có sự thay đổi.
Nghĩ là làm, Thái Diên Minh đã tự mình lặn lội sang Nhật Bản để "tầm sư học đạo" với mong muốn nắm bắt được công nghệ làm bánh gạo của công ty bánh kẹo Iwatsuka nổi tiếng. Thế nhưng, vị giám đốc 65 tuổi của doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra xem thường ông chủ trẻ măng đến từ Đài Loan bằng câu từ chối thẳng thừng: "Rất tiếc, anh bạn chưa đủ tuổi để bàn chuyện làm ăn với tôi".
Không hề nản chí, Thái Diên Minh kiên trì đeo đuổi suốt gần 3 năm liên tục để rồi cuối cùng nhận được cái gật đầu cho mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa hai doanh nghiệp, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của dòng bánh gạo này tại thị trường Đài Loan.
Chỉ ít lâu sau đó, bánh gạo do công ty gia đình của Thái Diên Minh sản xuất đã trở thành món quà không thể thiếu trong dịp tết Nguyên Đán và các lễ hội lớn nhỏ khác. Thậm chí, trên ban thờ của tất cả các đình, chùa, miếu mạo ở Đài Loan cũng bắt buộc phải hiện diện món bánh gạo phổ biến này như thể nó là một thứ quà mang ý nghĩa tinh thần của mọi người dành cho ông bà tổ tiên và những người đã khuất.
Các sản phẩm của "vua bánh gạo" Want Want. Ảnh: Internet
TỪ ĐÀI LOAN ĐẾN TRUNG QUỐC ĐẠI LỤC, DỰNG ĐẾ CHẾ THỰC PHẨM NGHÌN TỶ ĐÔ
Năm 1992, Thái Diên Minh quyết định "mở mang bờ cõi" bằng cách đưa món bánh gạo sang Trung Quốc đại lục với các dòng sản phẩm tập trung vào thị trường ngách dành cho trẻ em và gia đình.
Rất nhanh sau đó, công ty Want Want Trung Quốc đã chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thị trường bánh gạo ở quốc gia đông dân nhất hành tinh này. Chưa hết, bên cạnh dòng sản phẩm bánh gạo chủ lực, công ty của ông còn "phủ sóng" tới 40% thị trường sữa nguyên liệu và 30% cho mặt hàng kẹo mềm. Theo con số công bố thì chỉ trong năm đầu tiên ở thị trường Trung Quốc đại lục, doanh thu của công ty Want Want Trung Quốc đã tăng 42% lên 1,6 tỷ đô la Mỹ. Lãi ròng đối với mặt hàng bánh gạo đạt 263 triệu đô la Mỹ.
Những thành tích kinh doanh đầy ấn tượng liên tục trong nhiều năm đã đưa tên tuổi của công ty Want Want vào danh sách 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Fabulous 50) do tạp chí Forbes châu Á bình chọn vào năm 2009.
Vào thời điểm ấy, ở độ tuổi 52, ông Thái sở hữu 47% vốn điều lệ của Want Want, và xếp thứ 246 trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes với khối tài sản 3,6 tỷ đô la Mỹ. Ở Đài Loan thì ông là người giàu thứ 3 với hàng hà "của chìm của nổi" trải khắp các lĩnh vực kinh doanh như: khách sạn, công ty dịch vụ tài chính, bất động sản, truyền thông... Số lượng nhân sự do ông quản lý thời điểm đó lên đến 60.000 người làm việc tại hơn 100 nhà máy ở cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Tỷ phú Thái Diên Minh (Tsai Eng Meng) trong một sự kiện.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Want Want vẫn đứng thứ 3 Đài Loan với tổng giá trị thương hiệu đạt 1.001 tỷ USD.
Tự nhận xét là một người ương bướng, ông Thái Diên Minh tiếp tục thử sức bằng cách dấn thân vào các lĩnh vực khó nhằn hơn của ngành công nghiệp nước giải khát có ga, cạnh tranh trực tiếp với các "ông lớn" như Coca-Cola và PepsiCo đến từ Mỹ. Ở Đài Loan thì Want Want phải đối mặt với Tingy, cũng là một thành viên nằm trong danh sách Fabulous 50, và là nhà kinh doanh hàng đầu trong lĩnh vực nước khoáng và trà túi lọc tại thị trường nội địa.
Thế nhưng ông Thái vẫn không hề đánh mất sự tự tin vốn có của mình. Những năm 1990, ông đã liều lĩnh bước vào thị trường sữa dành cho trẻ em và giờ đây, sản phẩm sữa của công ty Want Want có thể được nhìn thấy trên tay của hầu hết trẻ em xứ Đài. Vì vậy, với lĩnh vực nước giải khát có ga, ông Thái cho rằng, công ty của mình "chỉ mới bắt đầu cuộc chơi mà thôi".
Ông Thái cũng đặt tham vọng phủ kín sản phẩm sản phẩm nước trái cây lên tất cả kệ hàng trong các siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi và xuất hiện trên bàn làm việc của các quý cô công sở cùng với món bánh gạo trứ danh đồng thương hiệu.
Hiện nay, Want Want đã là một tập đoàn lớn với các công ty con có mặt tại gần 60 quốc gia trên khắp thế giới, kể cả ở những thị trường khó tính như Australia, Nhật Bản, Mỹ, Canada và châu Âu với những quy chuẩn khắt khe của ngành hàng thực phẩm.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Want Want vẫn đứng thứ 3 Đài Loan với tổng giá trị thương hiệu đạt 1.001 tỷ USD
MIỀN ĐẤT HỨA ĐÔNG NAM Á VỚI VIỆT NAM LÀ BẾN ĐỖ
Trong một lần trả lời phỏng vấn của truyền thông, ông Thái Diên Minh nhận xét, đã đến lúc tìm đến Đông Nam Á để làm ăn bởi đây là một thị trường đầy tiềm năng với sự cởi mở và luôn sẵn sàng đón nhận các trào lưu sản phẩm mới.
Và trong rất nhiều lựa chọn, cuối cùng, vào tháng 12/2019, Want Want quyết định kết duyên với Việt Nam bằng khoản đầu tư khổng lồ 70 triệu USD xây dựng nhà máy có diện tích 7.5ha tại KCN Long Giang (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).
"Kinh tế tăng trưởng tốt, dân số đông, chính sách thông thoáng của chính quyền sở tại chính là 3 yếu tố quan trọng nhất để chúng tôi quyết tâm chọn Việt Nam đầu tư như là một trung tâm chiến lược, và từ đó, sẽ là cơ sở vững chắc để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á trong tương lai", ông Kevin Thái, con trai trưởng của đại tỷ phú Thái Diên Minh, đồng thời là Giám đốc điều hành của tập đoàn Want Want cho biết.
Tập đoàn Want Want quyết định rót 70 triệu USD xây nhà máy tại Tiền Giang vào năm 2019.
Theo ông Everett Chu, Giám đốc tài chính cấp cao kiêm người phát ngôn của tập đoàn Want Want thì một lý do quan trọng khác khiến tập đoàn này mong muốn đầu tư vào Việt Nam chính là nguồn nguyên liệu dồi dào, thượng hạng từ một quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới.
"Nhờ đó, bằng cách kết hợp với bí quyết làm nên thương hiệu "vua bánh gạo" của Want Want trong nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng bánh gạo được sản xuất tại Việt Nam sẽ chinh phục được khẩu vị của những người tiêu dùng khó tính nhất thế giới", ông Everett Chu khẳng định.
Tại Việt Nam, bánh gạo đã trở thành món ăn vặt phổ biến. Trên quầy kệ của các siêu thị hay tiệm tạp hóa, người ta dễ dàng nhìn thấy những sản phẩm bánh gạo quen tên như One One, Ichi (của CTCP Thực phẩm One One Việt Nam), Bánh gạo An của Orion, bánh gạo Richy (một thương hiệu gắn với cái tên Shark Phú)… hay nhiều loại bánh gạo được giới thiệu xuất xứ từ Nhật Bản.
Cũng có thể thấy sự cạnh tranh không kém phần gay cấn thị trường này về hương vị, giá cả và các chương trình khuyến mại. Trong đó, không có nghiên cứu chính thức nhưng One One quảng cáo là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nhiều nhất. Người ta đang chờ đợi, liệu sự xuất hiện của tỷ phú bánh gạo Thái Diên Minh có đem lại sự mới mẻ nào cho thị trường này?
Theo tính toán thì nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 6.000 tấn gạo/năm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Doanh thu dự kiến cho những năm đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam ước đạt 260 triệu USD/năm cùng hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
ĐẠI TỶ PHÚ DẠY CON: HỌC HẾT CẤP 3 LÀ NGHỈ
Ở Đài Loan có một thuật ngữ khá phổ biến với tên gọi "Thế hệ dâu tây" để gọi những người sinh sau năm 1980. Thế hệ này có những đặc điểm như: được gia đình nuông chiều lo lắng cho mọi thứ, và vì vậy, dễ bị "bầm dập" như trái dâu tây, không dám đón nhận thách thức và chịu trách nhiệm, luôn có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Chính vì vậy, những người sinh ra trong giai đoạn này thường bị cho là khó có thể thành đạt được khi bước chân ra xã hội bên ngoài.
Ông Thái không muốn con cái của mình là những đứa trẻ "dâu tây" kể cả khi chúng được "ngậm thìa vàng".
Ngay khi cậu con trai trưởng Kevin vừa hoàn thành chương trình phổ thông trung học ở một trường cấp 3 tại Singapore, ông Thái bắt cậu dừng "nghiệp bút nghiên" để trở về Đài Loan tập tành công việc kinh doanh ở tuổi 19 dưới sự quản lý kèm cặp của chính mình – độ tuổi mà ông đã trở thành Chủ tịch công ty gia đình.
"Bố tôi bảo rằng, việc học đại học của tôi hoàn toàn có thể được tiếp tục ở tuổi 50 - 60", Kevin kể lại.
2 cha con tỷ phú họ Thái. Ảnh: Forbes
Vào năm 2014, khi đang ở tuổi 33, chàng thiếu gia này đã được bố mình giao cho một "bài tập" khó: Phát triển lĩnh vực truyền thông. Ông Thái mong muốn sẽ xây dựng thành công đế chế truyền thông như đã từng làm được với đế chế bánh gạo. Mục tiêu được đặt ra cho Kevin là phải điều hành 02 đài truyền hình (CTV và CTiTV) cùng 01 tờ báo hàng đầu tại Đài Loan.
Khi được hỏi liệu có cảm thấy hối tiếc khi không tốt nghiệp đại học như bao người, câu trả lời của anh ấy là: "Không. Bởi không có trường học nào tốt hơn môi trường thực tế đầy khắc nghiệt mà bố tôi đẩy tôi vào để rèn luyện".
Con trai thứ của ông Thái là Matthew Tsai cũng nhận được những thử thách không hề dễ dàng từ người cha của mình với vị trí Giám đốc điều hành của tập đoàn Want Want mà cậu đảm nhận khi chỉ mới 29 tuổi. Không chỉ dừng lại ở đó, cậu còn phải trông coi việc kinh doanh cho lĩnh vực đồ uống có ga và hóa mỹ phẩm mà công ty của gia đình đang theo đuổi tại thị trường Trung Quốc với những đối thủ khổng lồ như Coca-Cola , Pepsi và Unilever.