Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Anh. Ông là nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học và là tác giả của nhiều cuốn sách khoa học được cả thế giới yêu thích. Tuy nhiên, cuộc đời của người đàn ông đặc biệt được mệnh danh là ông hoàng Vật lý này luôn có những thăng trầm với nhiều bước ngoặt làm thay đổi tất cả.
Sinh ra tại Oxford, Anh trong một gia đình tri thức hiếu học, Hawking gây bất ngờ khi không thể đọc dù đã 8 tuổi. Đến lớp 9, thành tích học tập của Hawking cũng vô cùng bết bát với vị trí đội sổ. Gia đình ông bị hàng xóm ở St Albans, Hertfordshire, nơi họ chuyển đến để thuận tiện cho cha ông công tác, mô tả là trí thức và lập dị. Người ta nói rằng, trong bữa ăn của gia đình này, mỗi người thường chăm chú đọc một quyền sách và chẳng ai nói chuyện với ai.
Hawking học dốt là điều ai cũng thấy dù họ không phủ nhận trí tuệ của ông. Nguyên nhân dường như tới từ việc trễ nải trong học hành. Dù đứng bét bảng nhưng bạn bè vẫn thường gọi ông là "Einstein" - tên của nhà bác học vĩ đại thời kỳ đó. Hawking cũng tỏ ra hứng thú đặc biệt với các bộ môn khoa học tự nhiên.
Lên đại học, Hawking vẫn giữ cho mình thái độ thờ ơ với việc học. Trong 3 năm ở Oxford, ông chỉ học chừng 1.000 giờ, tức là 1 giờ/ngày nhưng khi cần vượt qua kỳ thi để đăng ký học ngành vũ trụ học tại Đại học Cambridge, Hawking vẫn đạt được số điểm khá cao. Sau đó, với tư duy vượt trội trong vòng vấn đáp, Hawking đã có được tấm vé tới Cambridge.
Sự nghiệp học hành của có nhiều thăng trầm nhưng năm cuối đại học, một sự kiện không mong đợi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Hawking. Năm 21 tuổi, khi sức khỏe suy giảm, Hawking bị chuẩn đoán mắc căn bệnh liên quan tới thần kinh vận động, khiến ông cử động ngày một khó khăn. Thậm chí, các bác sĩ còn tiên đoán Hawking chỉ sống được thêm 2 năm.
Trái ngược với hình ảnh người đàn ông teo tóp ngồi trên xe lăn nhưng luôn luôn vui vẻ, khi mới biết bệnh, Hawking rơi vào trầm uất. Chàng trai trẻ thấy cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa. Các bác sĩ cũng khuyên Hawking nên ngừng học hành vì lý do sức khỏe. Mọi thứ tưởng như đã hoàn toàn bế tắc với Hawking.
Tuy nhiên, ánh sáng bất ngờ lóe lên phía cuối đường hầm. Trong những ngày tăm tối nhất của cuộc đời, mối quan hệ giữa Hawking và Jane Wilde, người bạn thân của cô em gái, đã tiến triển tốt đẹp. Bất chấp tình trạng bệnh tình của Hawking, Wilde vẫn yêu và đính hôn với ông vào một ngày tháng 10/1964. Nói về mối quan hệ này, Hawking mô tả việc đính hôn giúp ông "có lý do để sống".
Có lẽ, Wilde là những gì thượng đế bù đắp cho nỗi đau khổ mà Hawking phải chịu. Vị hôn thê kém ông 2 tuổi bất chấp tất cả chỉ để được ở bên, chăm sóc cho ông lúc sức khỏe ngày càng suy yếu, thậm chí là được dự báo sẽ qua đời. Lúc này, Hawking vẫn đang tay trắng. Nói đúng hơn, ngoài tư duy sáng láng, Hawking chẳng có bất cứ thứ gì khác, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Chính bản thân Hawking cũng không ít lần nhắc đến tình yêu thương vô điều kiện mà người vợ trẻ dành cho ông. "Nó là nguồn sức mạnh để tôi sống tiếp", Hawking thán phục khi nói về những gì người vợ kém 2 tuổi dành cho ông.
Bệnh tình của Hawking ngày một nghiêm trọng nhưng nó không tệ như những gì bác sĩ cảnh báo ban đầu. Cơ thể Hawking teo tóp khiến ông vận động ngày càng khó khăn. Ngay cả giọng nói của ông cũng khó nghe dần trước khi ông không thể nói. Tuy nhiên, Hawking trở về với niềm đam mê khoa học và nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình.
Những thành công của Hawking đều có hình bóng của Wilde. Họ cũng cùng nhau bước qua con số 2 năm định mệnh mà các bác sĩ tiên đoán về thời gian Hawking có thể sống. Đám cưới diễn ra năm 1965 và họ có 3 người con. Trong thời gian đó, Hawking tiếp tục gặt hái được những thành công trong sự nghiệp và được gọi là thiên tài Vật lý.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ trong cuộc đời Hawking đều màu hồng sau biến cố đầu tiên. Trong những năm tháng tiếp theo, sức khỏe của Hawking tiếp tục suy giảm, khiến ông phải gắn liền với chiếc xe lăn dù ông luôn muốn người ta nghĩ tới mình như một nhà khoa học, một nhà văn hay ít nhất cũng là một người bình thường với những ham muốn, ước mơ, nghị lực và tham vọng.
Tình trạng sức khỏe xấu đi nhanh chóng cũng ảnh hưởng nhiều tới tính cách của Hawking. Việc nổi tiếng kết hợp với sự ngoan cố sẵn có của Hawking khiến cuộc sống gia đình chịu những áp lực ngày càng lớn. Sự trái ngược về đức tin của hai vợ chồng Hawking tiếp tục khoét sâu những căng thẳng. Cuối cùng, sự hiện diện của Elaine Mason, một trong các y tá của Hawking đẩy cuộc hôn nhân cổ tích vào đổ vỡ vào đầu năm 1990 trước khi hai người chính thức ly dị vào năm 1995.
Không lâu sau, Hawking kết hôn với Mason, người luôn chiều chuộng những đòi hỏi tai ngược của ông. Khi đó, Hawking mô tả Mason là "người phụ nữ tôi yêu". Tuy nhiên, đầu những năm 2000, gia đình và các trợ lý lo ngại Hawking bị lạm dụng thể chất bởi người vợ mới độc đoán. Cảnh sát tiến hành điều tra nhưng không thành bởi Hawking từ chối khiếu nại.
Tuy nhiên, mối quan hệ này chỉ kéo dài được 10 năm. Năm 2006, Hawking và Mason âm thầm ly hôn. Người đàn ông tài hoa trở về sống cùng 3 người con và người vợ đầu. May mắn thêm một lần mỉm cười với Hawking khi Wilde vẫn đón nhận và yêu thương ông như những gì bà đã làm suốt một thời gian dài. Ông sống những năm cuối đời trong vòng tay của những người thân thương nhất.
Lúc sinh thời, không phải tất cả mọi người đều hiểu được ý nghĩa những công trình nghiên cứu của Hawking. Người ta biết đến ông nhiều hơn trong vai trò tác giả của những cuốn sách khoa học bán chạy bậc nhất thế giới. Hình ảnh người đàn ông teo tóp, ngồi gắn mình trên chiếc xe lăn nhưng có thể truyền cảm hứng cho cả thế giới, luôn gây ấn tượng mạnh với nhiều người.
Dù trên bất cứ phương diện nào, cuộc sống của Hawking chính là câu chuyện khiến bất cứ ai cũng phải ngả mũ thán phục. Suốt 50 năm thách thức tử thần, Hawking không chỉ chứng tỏ bản thân mà còn trở thành động lực để những người có hoàn cảnh tương tự vượt lên sự an bài của số phận. Chính hình ảnh người đàn ông teo tóp, ngồi trên chiếc xe lăn giúp ông trở nên gần gũi và nổi tiếng hơn trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những bài diễn thuyết truyền cảm hứng, Stephen Hawking cũng có rất nhiều dự đoán bi quan về tương lai của nhân loại cũng như sự sinh tồn của trái đất. Nói về hiện tượng nóng lên toàn cầu, Hawking cảnh báo trái đất sẽ sớm biến thành sao Kim với nhiệt độ không khí lên tới 250 độ C cùng những trận mưa a xít.
"Tạo ra trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại nhưng đó cũng có thể là phát minh cuối cùng", Hawking nói về nguy cơ AI giành quyền kiểm soát và dẫn tới sự tuyệt diệt của loài người. Nguy cơ diệt vong do chiến tranh hạt nhân hay virus biến đổi gen cũng đã được nhà khoa học vĩ đại cảnh báo.
Ngoài ra, mối nguy từ các loại vũ khí tự hành, bao gồm cả robot chiến đấu, cũng được Hawking nhắc tới. Việc tăng dân số nhanh sẽ khiến trái đất trở nên chật chội trong tương lai gần. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không tìm thấy một hành tinh mới trong thiên niên kỷ tới", Hawking nhận định đầy bi quan.