Trước cuộc chiến tranh thương mại cấp độ cao Mỹ - Trung, hầu hết các giám đốc cấp cao tại Huawei đều tỏ ra e ngại, ngay cả khi họ đã trở thành nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông hàng đầu thế giới và đánh bại Apple để là thương hiệu smartphone lớn thứ hai toàn cầu sau Samsung.
Nhưng người đứng đầu mảng di động Richard Yu Chengdong là một ngoại lệ.
Được cư dân mạng Trung Quốc mệnh danh là "Yu mạnh miệng" (Big Mouth Yu) vì xu hướng nói ra những điều to tát của mình, ông Yu luôn là tiếng nói cho tham vọng vươn lên ngôi đầu trong làng smartphone của Huawei, ngay cả khi công ty Trung Quốc đang bị kẹt giữa cuộc chiến này.
Sinh năm 1969, Yu giành được bằng tiến sĩ từ Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, trước khi gia nhập Huawei năm 1993.
Ông Yu Chengdong
Từ khi tham gia vào công ty, ông đã trải qua nhiều chức vụ, như giám đốc mảng sản phẩm 3G, phó chủ tịch về mạng không dây, chủ tịch về dòng sản phẩm thiết bị mạng không dây, chủ tịch bộ phận châu Âu, người đứng đầu chiến lược và tiếp thị, trước khi làm chủ tịch mảng kinh doanh thiết bị. Hiện ông Yu đang là CEO mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng, bao gồm smartphone, laptop và các thiết bị 5G khác, đồng thời là một trong các chủ tịch luân phiên của công ty.
Đưa Huawei xâm chiếm thị trường viễn thông châu Âu
Là một thành viên trong ban lãnh đạo Huawei, Yu thường được ca ngợi vì đã dẫn dắt công ty trên con đường xâm chiếm thị trường châu Âu từ năm 2004.
Lúc đó, Telfort, nhà mạng nhỏ nhất trong 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Hà Lan, đang muốn triển khai mạng 3G nhưng gặp phải các rào cản về giá cả và bất động sản để đặt các trạm thu phát sóng. Họ bắt đầu đàm phán với Huawei, sau đó một đơn vị nhỏ được thành lập ở châu Âu với chỉ một số ít nhân viên.
Ông Yu giới thiệu thiết bị mạng Huawei năm 2018.
Huawei lúc này đang khao khát thâm nhập vào thị trường châu Âu, đã bắt tay vào hành động. Dù đang là phó chủ tịch về mạng không dây của công ty, ông Yu hủy bỏ mọi hoạt động khác của mình để chuyển sang làm việc với nhóm nhỏ tại châu Ấu và các kỹ sư tại Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp. Chỉ trong một tuần, họ đưa ra một thiết kế trạm phát sóng có thể triển khai thành hai bộ phận, đòi hỏi ít không gian lắp đặt hơn và vận hành rẻ hơn.
Telfort rất ấn tượng về điều này. Chỉ trong vòng vài tháng, một thỏa thuận về hợp đồng 10 năm trị giá 230 triệu Euro được ký kết và Huawei đã có tên trên bản đồ khu vực. Năm tiếp sau đó, họ giành được nhiều hợp đồng với BT Group và trở thành nhà cung cấp cho Vodafone, một trong các nhà mạng lớn nhất thế giới.
Thành công trên thị trường châu Âu đưa ông Yu vào trong Hội đồng quản trị công ty, một nhóm nhỏ gồm 17 người chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định cuối cùng về hoạt động kinh doanh của công ty.
Đưa thương hiệu Huawei vươn lên thứ hai thế giới về cung cấp smartphone
Sau khi đạt được nhiều thành công trên thị trường thiết bị mạng viễn thông, công ty Trung Quốc xác định mảng smartphone sẽ là động lực tăng trưởng tiếp theo trong năm 2011 và ông Yu được chỉ định làm người dẫn dắt mảng kinh doanh này, ngay cả khi lúc đó Huawei chỉ là một đối thủ nhỏ trên một thị trường vốn đang thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài.
Đó cũng là thời điểm khi các thương hiệu smartphone Trung Quốc vẫn chỉ là các thiết bị hàng nhái và sao chép lại các thương hiệu lớn như Samsung, Nokia hay Apple. Thời điểm đó Huawei cũng chỉ có thị phần chưa đến 5% tại Trung Quốc, với phần lớn doanh số của mình đến từ việc bán các thiết bị rẻ tiền cho các nhà mạng trong nước để giữ chân người dùng bằng các hợp đồng kéo dài nhiều năm.
Ông Yu quyết định thay đổi tất cả điều này. Sau khi nắm quyền tại mảng kính doanh thiết bị tiêu dùng của Huawei, ông Yu dừng việc cung cấp các thiết bị rẻ tiền cho những nhà mạng Trung Quốc, nâng cấp các thiết bị thông minh lên phân khúc tầm trung và cao cấp, từ bỏ thị trường điện thoại siêu rẻ vốn không có lợi nhuận.
Huawei cũng bắt đầu sử dụng các bộ xử lý tự thiết kế của HiSilicon và chip Balong, thiết lập một số nền tảng thương mại điện tử, dành riêng một bộ phận thiết kế giao diện người dùng UI, và thiết lập mục tiêu trở thành nhà sản xuất phần cứng tốt nhất thế giới.
Không giống như các mảng kinh doanh quan trọng khác của Huawei, như mạng viễn thông và sản phẩm doanh nghiệp vốn tập trung vào xây dựng mạng lưới và phát triển thành phố thông minh, mảng kinh doanh smartphone của Huawei sẽ nhắm tới người dùng trực tiếp. Điều này đưa ông Yu trở thành gương mặt của công chúng khi thường xuyên phải hiện diện trên các kênh truyền thông mạng xã hội.
Vào đầu năm 2012, ông Yu cho biết Huawei muốn đạt tới doanh số hàng chục triệu sản phẩm mỗi năm với mỗi sản phẩm để có thể đương đầu với lượng xuất xưởng hàng trăm triệu chiếc iPhone mỗi năm của Apple.
Cũng trong năm đó, ông Yu cho biết Huawei sẽ ra mắt một thiết bị di động flagship còn mạnh hơn cả iPhone 5 vào năm 2013, sau khi công ty tự đặt ra mục tiêu sẽ làm nên các sản phẩm cao cấp. Một loạt những bài đăng như vậy của ông Yu đã trở thành nguồn gốc cho biệt danh "Mạnh miệng" mà cư dân mạng Trung Quốc đặt cho ông.
Bảy năm sau đó, Huawei đã trở thành nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ hai thế giới. Trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen – thậm chí họ còn tuyên bố sẽ giành được 50% thị phần smartphone Trung Quốc vào cuối năm nay và hạ bệ ngôi đầu của Samsung vào năm 2020.
Dưới sự lãnh đạo của ông Yu, mảng kinh doanh thiết bị điện tử tiêu dùng của công ty, bao gồm cả điện thoại, đã trở thành nguồn thu lớn nhất của công ty vào năm ngoái, khi chiếm hơn 50% tổng doanh thu của cả công ty.
Những rắc rối từ phát ngôn mạnh bạo của mình
Nhưng các phát ngôn mạnh miệng của ông Yu cũng mang lại cho ông nhiều rắc rối.
Vào tháng Hai năm 2018, các lo ngại về an ninh đã buộc nhà mạng AT&T dừng phân phối điện thoại của Huawei, ông Yu đã bình luận rằng các đối thủ đang dùng chính trị để đẩy Huawei ra khỏi nước Mỹ và rằng, một số chính phủ nghĩ rằng công ty đã "trở nên quá hùng mạnh." Các phát ngôn nhạy cảm này của ông Yu buộc Huawei phải lên tiếng rằng mình không liên quan gì đến các bình luận này.
Chen Lifang, phó chủ tịch cấp cao của Huawei và là người đứng đầu bộ phận truyền thông, trả lời trong cuộc phỏng vấn với SCMP rằng: "Thật không đúng khi chỉ trích một bữa tiệc nào đó không chấp nhận mình, chúng tôi chỉ có thể cố gắng hơn, giữ vững sự cởi mở và tính minh bạch của mình và chờ đợi đến khi một bữa tiệc khác sẵn sàng chào đón mình."
Bà Chen cũng bổ sung thêm rằng, Huawei không ủy quyền cho ông Yu phát ngôn thay mặt công ty và không đồng tình với góc nhìn của ông.
Trong tháng Ba năm nay, ông Yu cũng nói truyền thông Đức rằng công ty đã phát triển một hệ điều hành riêng cho cả smartphone và máy tính, có thể được sử dụng trên các thiết bị của họ để thay thế cho các hệ điều hành do những công ty Mỹ cung cấp như Android hay Windows, trong trường hợp bị cấm.
Cho biết trong một nhóm chat WeChat, ông Yu tuyên bố: "Hệ điều hành Huawei OS sẽ ra mắt thị trường sớm nhất vào mùa thu năm nay, và không muộn hơn mùa xuân năm sau." Đoạn hội thoại này sau đó đã bị chụp ảnh màn hình lại và lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, tuy nhiên sau đó Huawei từ chối xác nhận thông tin này với các cơ quan truyền thông.
Kể từ khi lệnh cấm của Mỹ bắt đầu giáng lên Huawei, các phát ngôn của công ty đều đi ngược lại sự lạc quan của ông Yu.
Gần đây, ông Zhao Ming, chủ tịch của Honor, một trong hai thương hiệu smartphone Huawei, cho biết về tình hình hiện nay: "Huawei đang xem xét lại mục tiêu trở thành nhà cung cấp smartphone hàng đầu thế giới vào năm 2020, sau khi lệnh cấm của Mỹ đặt ra các câu hỏi về khả năng truy cập của họ đến các dịch vụ quan trọng cho việc bán hàng quốc tế."
Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin của SCMP, Foxconn, nhà lắp ráp thiết bị điện tử hàng đầu thế giới, cũng đã dừng nhiều dây chuyền sản xuất điện thoại cho Huawei trong thời gian gần đây sau khi công ty tại Thâm Quyến này giảm lượng đặt hàng cho các điện thoại mới.
Giờ đây, ngay cả ông Yu cũng phải dịu giọng về tham vọng của công ty.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC trong tuần vừa qua, ông Yu cho biết Huawei đã dừng ra mắt laptop mới sau khi bị cấm nhập khẩu linh kiện từ các nhà cung cấp của Mỹ. Trước đó truyền thông Trung Quốc cho biết, Huawei sẽ ra mắt một chiếc laptop mới thuộc dòng MateBook vào tháng Bảy năm nay.
Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu ông Yu mạnh miệng còn có thể duy trì sự lạc quan của mình về Huawei trong những tháng tới giữa lúc cơn bão đang vây lấy công ty hay không. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, ông đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn chưa từng có – vượt qua Apple và Samsung mà không có Android.
Tham khảo SCMP