Hapu Medicenter – trung tâm bán buôn dược phẩm và thiết bị y tế lớn nhất thủ đô Hà Nội luôn tấp nập xe máy, ô tô đến lấy hàng, phân phối đi các cửa hàng trong toàn thành phố và các tỉnh phía Bắc. Các quầy bán buôn dược phẩm hầu như không ngớt người mua. Mỗi cửa hàng chỉ có quầy với mặt tiền khoảng 5 mét, cùng với một phòng chứa thuốc nhỏ phía trong. Chủ các cửa hàng từ chối cung cấp thông tin doanh thu mỗi tháng. Dù vậy, nhìn vào lượng người mua liên tục và đơn hàng lớn, bức tranh bán lẻ dược phẩm dường như đang diễn ra hết sức sôi động.
Doanh thu 3 tỉ đồng mỗi tháng của một cửa hàng thuốc Long Châu phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ dược phẩm, vốn vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Trong bốn năm tới, FPT Retail dự kiến sẽ mở khoảng 400 cửa hàng thuốc Long Châu, bà Điệp cho biết thêm.
Thông qua việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu, FPT Retail chính thức bước chân vào lĩnh vực bán lẻ mới là dược phẩm kể từ cuối năm 2017. Kinh nghiệm mở các cửa hàng FPT Shop hỗ trợ phần nào cho công ty trong việc mở các chuỗi cửa hàng về mặt quy trình quản lý chuỗi, nhưng dược phẩm là sản phẩm đặc thù có nhiều khác biệt so với các sản phẩm điện thoại di động và các thiết bị điện tử với những thuận lợi và khó khăn riêng.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang sỏ hữu lợi thế trong cuộc đua bán lẻ dược phẩm nhờ số lượng đơn vị sản phẩm lớn - Ảnh: FPT Retail
Báo cáo của BMI Research về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam cho thấy thị trường dược phẩm năm 2017 đạt 5,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 14% so với năm trước. BMI cũng dự báo khả quan về mức tăng trưởng của ngành này trong vòng hai năm tới là trên 10%.
Tại Việt Nam, phần lớn thuốc đang được phân phối ở các nhà thuốc đơn lẻ, chiếm tỷ lệ khoảng 65-70% lượng thuốc, theo Bộ y tế. Phần còn lại được phân phối tại các bệnh viện, phòng khám. Đặc điểm này giống như thị trường điện thoại di động và các thiết bị điện tử mười năm trước, hay thị trường trang sức hiện nay…
Để nói về điểm khác biệt giữa thị trường dược phẩm tại Việt Nam so với các nước phát triển, bà Điệp cho rằng đó là tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm. 80% khách hàng đến chuỗi Long Châu là bệnh nhân, tìm thuốc chữa bệnh. Phần lớn trong số đó có đơn thuốc từ các bệnh viện, phòng khám. “Giá thuốc ở Long Châu thấp hơn tại các bệnh viện khoảng 10-15%” – Bà Điệp cho biết. Lợi thế của Long Châu, theo bà Điệp, là số lượng SKU (đơn vị sản phẩm) lớn. Long Châu có khoảng 6.500 - 7.000 SKU, trong khi các nhà thuốc nhỏ lẻ chỉ sở hữu trên dưới 1.000 SKU. Với số lượng SKU lớn, nhà thuốc Long Châu có thể đáp ứng gần như toàn bộ các loại thuốc do bác sĩ kê đơn.
Bệnh nhân thường có thói quen mua thuốc ngay tại nơi khám bệnh, do các loại thuốc đầy đủ. Thậm chí các bác sĩ cũng thường hướng dẫn bệnh nhân đến các nhà thuốc quen để mua thuốc.
Một đơn thuốc nếu mua ở bệnh viện thường có giá cao hơn, có khi cao hơn gấp đôi với các loại thuốc cùng loại nếu mua ở các cửa hàng bán lẻ bên ngoài. Tuy nhiên, thuốc đặc trị thường không sẵn có tại các hiệu thuốc nhỏ lẻ thông thường.
Thử cầm một đơn thuốc của bệnh nhân bị viêm kết mạc cấp, khám ở phòng khám, được kê 5 loại cả thuốc nhỏ lẫn thuốc uống, nhưng hầu hết các nhà thuốc đều chỉ có thể tìm được 2-3 loại trong số đó. Hạn chế của các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ đang mở ra cơ hội cho các chuỗi nhà thuốc lớn.
Long Châu không phải là chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay về số lượng cửa hàng. Pharmacity hiện có 99 cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh và đang chuẩn bị mở cửa hàng thứ 100 trong cùng thành phố, Phano có trên 70 nhà thuốc. Hầu hết các chuỗi nhà thuốc khác đều có số lượng cửa hàng dưới 20. Ngay trong phân khúc chuỗi nhà thuốc đã có sự phân hóa mạnh mẽ.
Mười năm trước, cuộc chiến của các chuỗi cửa hàng điện thoại di động, thiết bị máy tính với các cửa hàng nhỏ lẻ là cạnh tranh về giá, về dịch vụ. Mức giá cao hơn so với các cửa hàng nhỏ lẻ được bù đắp bằng chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm đầy đủ. Đối với bán lẻ thuốc, câu chuyện trở thành chinh phục thói quen người tiêu dùng, bà Điệp cho biết.
Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam khi mắc các bệnh thông thường là mua thuốc tại một cửa hàng thuốc quen thuộc, hoặc bất kỳ cửa hàng thuốc nhỏ lẻ nào đó, với các loại thuốc thông dụng mà không qua khám bác sĩ.
Với quy mô trên 50.000 cửa hàng, hệ thống các nhà thuốc nhỏ lẻ đang có ưu thế nhất định trong việc thu hút phần lớn khách hàng. Các chuỗi cửa hàng thuốc hiện đang tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, với nền kinh tế năng động và cởi mở hơn. Tại Hà Nội, chưa có chuỗi nhà thuốc nào đáng kể. Trong tương lai gần, FPT Retail cũng chưa tính đến chuyện mở rộng ra thị trường Hà Nội, bà Điệp cho biết.
Tăng cường sử dụng thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm - những sản phẩm có biên lợi nhuận cao là xu hướng tất yếu trên thế giới. Nhưng phải từ 5 đến 7 năm nữa xu hướng trên mới có thể biểu hiện rõ rệt tại Việt Nam, bà Điệp cho biết. Bên cạnh xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm phát triển mạnh trong tương lai, mảng thuốc kê đơn đang là lợi thế đáng kể của các chuỗi nhà thuốc so với các cửa hàng nhỏ lẻ thông thường, nhờ lợi thế số lượng đơn vị sản phẩm lớn.
Chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng bà Điệp hình dung, Long Châu sẽ cho ra đời một ứng dụng trên điện thoại di động, để khách hàng có thể tra cứu các loại thuốc tại cửa hàng, cùng với mức giá, cho phép họ mua ngay trên ứng dụng hoặc trực tiếp đến mua ở cửa hàng. Mỗi năm, FPT Shop bán được hơn 1 triệu chiếc điện thoại thông minh. Nếu ổn định, sẽ có hơn 1 triệu khách hàng tiếp cận ngay được với ứng dụng này, bà Điệp tính toán.