Khai thác đáy đại dương có tiềm năng mang lại một ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ USD. Nhưng chưa nói đến vấn đề lợi nhuận, việc khai thác đáy biển có thể tác động khá nghiêm trọng đến hành tinh con người đang sống.
Mặc dù vậy, các công ty vẫn đang vận động hành lang để có được giấy phép với mong muốn được khai thác đáy biển sớm nhất có thể vào năm 2024. Mặt khác, cơ quan quốc tế được thành lập để bảo vệ đáy biển có vẻ như quan tâm đến việc mở đường cho các nhà thầu hơn là điều chỉnh họ.
Chuyện gì đang xảy ra dưới đáy đại dương?
Hàng tỷ tấn khoáng sản có giá trị như mangan, đồng, coban, niken hiện đang nằm yên vị dưới đáy biển. Chúng có giá trị bởi vì chúng được sử dụng trong pin điện tử và các thiết bị cá nhân.
Các công ty lập luận rằng thế giới cần chúng nếu các quốc gia có kế hoạch rời xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai được thúc đẩy bởi các nguồn năng lượng tái tạo.
Các khoáng sản được tìm thấy trong loại đá có tên là polymetallic nodules (quặng hỗn hợp của nhiều kim loại dưới đáy biển). Chúng được tìm thấy từ dưới đáy biển.
Khoáng sản trong quặng hỗn hợp kim loại dưới đáy đại dương. Nguồn: DW
Nhưng không phải ai cũng cho rằng việc khoan xuống đáy đại dương là một ý tưởng hay. Sandor Mulsow, một nhà sinh vật học đại dương, cho biết: "Thành thật mà nói, ngày nay không có lý do gì để thực hiện khai thác dưới biển sâu". Sandor từng làm việc với tư cách là quan chức môi trường hàng đầu tại Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA).
Các nhà khoa học đang lo lắng rằng việc khai thác quặng hỗn hợp sẽ khuấy đảo môi trường và các sinh vật sống dưới đáy biển. Họ lo lắng rằng ô nhiễm sẽ làm gián đoạn khả năng tìm kiếm thức ăn, săn mồi và giao phối. Thậm chí điều này có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài. Các nhà khoa học tin rằng hậu quả của việc khai thác sẽ còn lan xa và rộng hơn.
Các công ty có được phép khai thác đáy biển?
Tiến sĩ Aline Jaeckel, chuyên gia về quản lý đại dương tại Đại học Wollongong ở Australia, cho biết: "Ý tưởng khai thác đáy biển có thể hấp dẫn đối với nhiều người trong thập niên 1970 và 1980, khi chúng ta chưa biết nhiều về các tác động môi trường, không như tình hình hiện tại.
Trở về thời những năm 1970 và 1980, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã công nhận rằng cuối cùng đại dương sẽ thu hút các nhà thăm dò. Vì vậy, LHQ đã soạn thảo một tài liệu có tên là Công ước của LHQ về Luật Biển. Công ước đưa ra những hướng dẫn về cách cư xử cho các nước khi tiếp cận vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
LHQ cũng đặt cho khu vực mở này một cái tên đó là The Area. Khu vực bao gồm các vùng biển rộng lớn của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Công ước được một số quốc gia phê chuẩn vào năm 1982. Tất cả đều đồng ý rằng khu vực được quy định nên được coi như di sản chung của nhân loại.
Điều đó có nghĩa là khu vực mở thuộc sở hữu chung của tất cả mọi người. Hơn một thập kỷ sau, một tổ chức có tên gọi là Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (International Seabed Authority - ISA) được thành lập để tổ chức, điều chỉnh và kiểm soát các hoạt động liên quan đến khoáng sản tại Area.
Họ muốn đảm bảo rằng mọi khoản lợi nhuận trong tương lai từ việc khai thác sẽ được chia sẻ. Ngày nay, ISA bao gồm 167 quốc gia thành viên và Liên minh Châu Âu.
Khai thác khoáng sản dưới đáy biển. Nguồn: DW
Một nhóm nhỏ hơn có tên là Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của ISA. Đây là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng khi nói đến phê duyệt đơn đăng ký khai thác. Các quốc gia thành viên gửi đơn đăng ký thay mặt cho chính phủ. Nhưng có một lỗ hổng trong công ước đó là cho phép các công ty tư nhân cũng có thể tham gia.
Pradeep Singh, chuyên gia về biển sâu và quản lý đai dương, nói rằng các công ty quốc doanh, các đơn vị tư nhân, các cá nhân có thể đăng ký hợp đồng khai thác với ISA, với điều kiện là họ nhận được tài trợ từ một quốc gia thành viên.
Đây chính là cách mà một công ty có trụ sở sở Canada có thể khẳng định quyền sở hữu đối với khu vực biển Thái Bình Dương. Công ty này được biết đến với cái tên DeepGreen Metals và hiện thuộc Mentals Company.
Công ty có quyền sở hữu là nhờ vào việc đảm bảo nhận nguồn tài trợ từ 3 quốc đảo nhỏ là Kiribati, Tonga và Nauru. Để đáp ứng được quy định tài trợ, họ phải có mối liên hệ với các quốc gia. Công ty đã lên kế hoạch và mua lại các công ty con trên các quốc đảo.
Chính quyền Nauru cho biết hòn đảo với 10.000 dân chịu thiệt hại nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Đó là lý do vì sao quốc đảo này thúc đẩy những gì họ coi như là giải pháp để kiềm chế biến đổi khí hậu. Nhưng một khi việc khai thác bắt đầu, họ cũng sẽ được hưởng lợi từ lợi nhuận thu được từ khoáng sản dưới đáy biển.
Các quốc đảo tài trợ cho Metals Company. Nguồn: DW
Tiến sĩ Aline Jaeckel cho biết một khi hợp đồng được ký kết, ISA sẽ gặp khó khăn trong việc dừng hoạt động, trừ khi công ty muốn vậy. Vì vậy ở thời điểm hiện tại, Metals Company có khá nhiều hợp đồng thăm dò, khai thác thông qua nhiều quốc gia tài trợ khác nhau. Và điều chúng ta thấy là một công ty có thể giành được quyền ở nhiều khu vực biển khác nhau.
Tại Nauru, Metal Company thông qua công ty chi nhánh là Nauru Ocean Resources Incorporated. Họ đã sẵn sàng để chuyển từ thăm dò sang khai thác.
Công ty đã yêu cầu ISA bắt đầu soạn thảo các quy định để họ có thể bắt đầu khai thác thương mại. ISA có 2 năm để thực hiện việc này. Hạn cuối là vào năm sau và việc khai thác có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2024, ngay cả khi quy định vẫn chưa được hoàn thiện.
Cho đến nay Metal Company là nhà thầu duy nhất yêu cầu giấy cấp phép khai thác. Nhưng khi ISA hoàn thiện các quy định, cánh cửa cơ hội được mở ra cho các nhà thầu khác bắt đầu tham gia cuộc đua.
Những vấn đề nào còn tồn đọng?
Không chỉ có tác động môi trường chưa rõ ràng, rất nhiều vấn đề khác cần xem xét kỹ lưỡng hơn. Thứ nhất là vấn đề thiếu minh bạch trong quá trình nộp đơn đăng ký.
Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật không cần tiết lộ nhà khai thác xin giấy phép là ai hoặc thậm chí là lý do vì sao họ được cấp phép. Tất cả những gì mọi người biết cho đến nay là ủy ban này chưa từ chối một đơn đăng ký nào.
Các nhà thầu phải trả cho ISA 500.000 USD cho mỗi đơn đăng ký thăm dò. Khoản thu này đóng góp đáng kể cho ngân sách của ISA.
Một nỗi lo khác là các nhà thầu khai thác không tuân theo luật pháp quốc tế. Các công ty như Mental Company có thể trốn tránh trách nhiệm về bất cứ thiệt hại môi trường nào mà họ gây ra. Người chịu trách nhiệm lại là các quốc gia tài trợ cho họ.
Vì vậy, các quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể phải chịu trách nhiệm theo luật pháp quốc tế về những thiệt hại đó. Đối với lượng thiệt hại thực tế, một số quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương có thể phải trả một khoản tiền lớn. Tiến sĩ Aline Jaeckel cho biết trong một số trường hợp xấu, các công ty tư nhân có thể rũ bỏ trách nhiệm và "biến mất".
Trong khi website của ISA nói rằng họ có nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển khỏi các mối nguy hại tiềm tàng có thể xuất hiện từ khai thác đáy biển, tổ chức này có vẻ như chưa sẵn sàng để thực hiện tuyên bố đó một cách hiệu quả.
Tiến sĩ Aline Jaeckel cho biết thêm: "Chúng ta đang chứng kiến các công ty đổ xô vào khai thác đáy biển. Một vài công ty thúc đẩy mạnh mẽ hơn số còn lại để việc khai thác có thể thực hiện càng sớm càng tốt".
Quan chức ISA. Nguồn: DW
Mặc dù nhiều người nói rằng các công ty cần ngừng khai thác cho đến khi hiểu rõ được các tác động, người đứng đầu ISA đã bác bỏ những chỉ trích này. Trong một bài báo gần đây của LA Times, Tổng Thư ký của ISA Michael Lodge nói rằng ông không quan tâm. Ông cũng phủ nhận báo cáo của hai quan chức hàng đầu trong tổ chức khi cho rằng sứ mệnh thực thi bảo vệ môi trường của ISA ít được thực hiện.
Thế giới sẽ tiến gần hơn đến nguồn năng lượng tái tạo dồi dào hay con người đang thúc đẩy quá trình hủy diệt hành tinh diễn ra nhanh hơn? Để tìm ra câu trả lời thực sự, con người cần chút thời gian để thiết lập quy định toàn diện, thời gian để hiểu rõ tác động môi trường và thời gian tạo ra cân bằng năng lượng, để biển sâu thực sự mang lại lợi ích cho nhân loại.
Tham khảo DW