Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là cơ hội lớn để lĩnh vực trung tâm dữ liệu (Data Center) và điện toán đám mây (Cloud) Việt Nam tăng tốc bứt phá.
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 10,68% trong giai đoạn 2022 - 2028, tăng từ 561 triệu USD năm 2022 lên 1,037 tỷ USD năm 2028.
Tổng dung lượng thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu dự báo sẽ đạt khoảng 321 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, châu Á-Thái Bình Dương (APAC) hiện là khu vực năng động, có tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn các khu vực khác, quy mô đạt giá trị khoảng 30 tỷ USD tới năm 2028. Và thị trường Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan hứa hẹn bùng nổ mạnh.
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT CMC.
Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng đang bắt tay mạnh mẽ đầu tư vào thị trường trung tâm dữ liệu. VNPT, Viettel, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới.
Ngày 03/07 vừa qua, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CK: CMG) ban hành nghị quyết HĐQT thành lập công ty TNHH MTV do CMC Corporation làm chủ sở hữu có tên Công ty TNHH hạ tầng số CMC AI (CMC ADI).
CMC ADI có trụ sở chính tại khu công nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM, có vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh sẽ được đăng ký phù hợp với mục tiêu Dự án Trung tâm dữ liệu siêu quy mô (DC Hyperscale).
Trước đó, hồi tháng 6, CMC Telecom Data Center Tân Thuận chính thức là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn An toàn Hệ thống Thông tin Cấp độ 4. CMC Telecom Data Center Tân Thuận được Tập đoàn CMC đầu tư xây dựng và khai trương đưa vào sử dụng từ tháng 8/2022 với tổng số đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng.
Việc ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT CMC sẽ giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của CMC ADI cho thấy chiến lược dài hơi và quyết tâm với dự án này.
Việc CMC xây Trung tâm dữ liệu siêu quy mô khiến cuộc cạnh tranh khai thác dữ liệu, đua nhau mở rộng thị phần thêm nóng. Bởi trước đó hồi tháng 6, CTCP Viễn thông FPT (FOX) cũng công bố nghị quyết HĐQT thành lập Công ty TNHH MTV Viễn thông FPT Thăng Long với 100% vốn góp của FOX để thực hiện Dự án Trung tâm Dữ liệu HN03.
Lùi lại, hồi tháng 5/2024, ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) và VNG Corporation (VNG) cũng đã công bố hợp tác về xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP.HCM.
Trong khi đó, tháng 4/2024, Viettel cũng khai trương trung tâm dữ liệu tại Hoà Lạc, trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, năm 2025, Tập đoàn Viettel sẽ đầu tư xây dựng 1 trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Dự án được triển khai trên diện tích đất 40.000 m2, tổng mức đầu tư 14.700 tỷ đồng.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, tiết lộ: "Tới năm 2025, hãng sẽ đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack".
Trước đó, vào tháng 10/2023, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu thứ 8 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích còn lớn hơn cả Vietel, tới 23.000m2 sàn, dù quy mô ít hơn với khoảng 2.000 tủ rack.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hiện đang có tổng cộng 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack, tổng công suất thiết kế là 145MW.
Với sự bùng nổ của chuyển đổi số ở Việt Nam, các doanh nghiệp đều cho biết sẽ tiếp tục phải xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu mới với quy mô "khủng" hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu dữ liệu.