Cuộc đua thị phần khốc liệt
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2022, bán hàng thép các loại đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Xuất khẩu đạt 6,28 triệu tấn, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thép xây dựng là mặt hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng nhẹ 3%, các mặt hàng còn lại đều giảm mạnh như cuộn cán nóng (-13,2%), tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (-21,8%), thép cuộn cán nguội (-11,8%).
Những tháng quý III và IV, đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Các doanh nghiệp liên tục hạ giá bán để hạ hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thấp trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 8. Điều này khiến mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.
Theo đó, với mặt hàng thép xây dựng Hoà Phát vẫn tiếp tục dẫn đầu thị phần với 34,8% tăng 2,2 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong năm 2022, Hoà Phát sản xuất được 4,3 triệu tấn thép cao hơn 400 nghìn tấn so với năm 2021. Lượng tiêu thụ khoảng 4,2 triệu tấn.
Trong khi đó, “miếng bánh” các đối thủ khác đứng thứ 2 và 3 như Tổng Công ty Thép Việt Nam hay Vinakyoei giảm.
Cũng như thép xây dựng, mặt hàng ống thép cũng là thế mạnh của tập đoàn này khi nhiều năm dẫn đầu thị phần và năm 2022 cũng không là ngoại lệ. Thị phần ống thép của Hoà Phát trong năm 2022 là 28,5% so với năm 2021 là 24,7%. Hoa Sen đứng thứ hai với 12,6% giảm gần 3 điểm phần trăm so với năm 2021. Nam Kim cũng giảm 1 điểm phần trăm thị phần ở mảng này. Trong khi đó, hai doanh nghiệp là Minh Ngọc và TVP duy trì thị phần gần như không thay đổi với năm ngoái.
Với mảng tôn mạ kim loại & sơn phủ màu - sản phẩm mà Hoa Sen làm “vua” trong suốt nhiều năm, cũng cho thấy biến động. Nếu như Hoà Phát dẫn đầu ở mảng thép xây dựng và ống thép nhiều năm vẫn ghi nhận tăng trưởng thị phần trong năm 2022 đầy khó khăn thì Hoa Sen ngược lại.
Theo đó, thị phần của Hoa Sen giảm mạnh 7,2 điểm phần trăm so với năm 2021. Các doanh nghiệp khác như Tôn Đông Á, TVP tranh thủ lấp đầy khoảng trống mà Hoa Sen bỏ lại khi thị phần của doanh nghiệp này tăng khá lần lượt 3,3 và 2,2 điểm phần trăm. Thị phần của Hoà Phát và Nam Kim hầu như không thay đổi so với năm 2021.
Không nên quá quan tâm đến câu chuyện doanh thu - lợi nhuận trong năm 2023?
Cuộc chiến về giá thời gian qua không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng về vốn lưu động và chi phí tài chính mà còn là dịp để thử thách khả năng mở rộng thị phần ngay cả khi trong giai đoạn khó khăn.
Nhưng dù được hay mất (thị phần) thì có một điều chắc chắn rằng doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ cũng đều phải hy sinh lợi nhuận của mình một phần do cuộc chiến về giá.
Đơn cử như Hoà Phát ghi nhận hai quý lỗ liên tiếp. Trong quý IV, doanh nghiệp này lỗ gần 2.000 tỷ đồng và doanh thu cũng giảm sâu 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí có những doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn như trường hợp của Thép Tiến Lên. Theo đó, trong quý IV/2022, doanh thu của công ty đạt 1.662 tỷ đồng trong khi giá vốn bán hàng là 1.713 tỷ đồng. Điều này dẫn đến Thép Tiến Lên lỗ gộp hơn 51 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2023, doanh thu - lợi nhuận được đánh giá không quá quan trọng bằng việc doanh nghiệp có tăng được thị phần hay không.
Tại hội thảo “Tâm thế vững vàng, sẵn sàng vượt sóng” diễn ra hồi tháng 1, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Finpeace, cho rằng thời điểm hiện tại, câu chuyện doanh thu, lợi nhuận trong quý I, II/2023 của doanh nghiệp có tăng trưởng hay không chưa hẳn là vấn đề đáng quan tâm nhất. Thay vào đó, điều cần chú ý nhất là chủ doanh nghiệp xuất hiện trong đại hội cổ đông và thể hiện được uy lực công ty có thể đi ngược lại thị trường chung và giành được thị phần.
“Nguồn gốc của tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc có tăng trưởng được khách hàng, hay doanh thu hay không”, ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số chuyên gia cho rằng với các doanh nghiệp thép trong năm 2023, điều quan trọng nhất vẫn là cần đánh giá đâu là đáy lợi nhuận.
Trong chương trình Khớp lệnh diễn ra trưa ngày 2/2, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt cho rằng nhà đầu tư cần quan tâm xu hướng lợi nhuận của các doanh nghiệp, vốn đang chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố là giá cổ phiếu, tỷ giá và lãi suất, lượng tiêu thụ, có đang tích cực lên hay không.
Giá bán tăng giúp doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận. Với tỷ giá, lãi suất thì đây là hai yếu tố ngày càng được giữ ổn định và có thể giảm trong tương lai gần. Yếu tố cuối cùng là tiêu thụ lại đang phụ thuộc vào động thái của thị trường bất động sản Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại.
“Việc doanh nghiệp giảm hàng tồn kho bằng việc giảm giá bán sẽ tiềm ẩn rủi ro nếu thị trường phục hồi trở lại nhưng doanh nghiệp lại không có hàng để bán. Tuy nhiên, đây là điều mà doanh nghiệp buộc phải chấp nhận bở họ không thể ôm hàng để đợi. Điều này càng rủi ro hơn. Do đó, điều cần quan tâm lúc này là lợi nhuận tạo đáy chưa?”, ông Hoàng nói.