Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng có xu hướng tăng là điều đã được các chuyên gia và thị trường dự báo từ trước, song tăng một cách mạnh tay như những ngày này thì không hẳn ai cũng nghĩ tới.
Trong một động thái mới nhất, ngày 20/8 Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) thông báo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, lần lượt tăng 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ.
Trước đó ngày 19/8, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã gây "sốc" cho thị trường bằng việc tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất tới 10,2%/năm. Theo đó, chỉ cần 10 triệu đồng trở lên với khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng là đã được lãi suất tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.
Như vậy mức lãi suất mà Viet Capital Bank đưa ra đang vượt trội hơn hẳn về lãi suất so với các nhà băng khác vốn đang ở quanh mức 9%/năm. Đồng thời mức lãi suất này cũng đang ngang ngửa và cạnh tranh trực tiếp với các công ty tài chính tiêu dùng – vốn chỉ được huy động vốn từ các khách hàng là tổ chức. Khoản tiền gửi thông thường của nhà băng này cũng đang chiếm lĩnh vị trí quán quân trên thị trường với 8,6%/năm.
Cùng thời điểm này, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng cho biết sẽ tổ chức ngày vàng gửi tiền vào 20 và 21/8 khi chỉ cần gửi 100 triệu kỳ hạn 6 tháng đã được lãi suất 8,08%/năm. Bình thường, gửi tiền từ 18 tháng trở lên ở đây mới được lãi 8%/năm.
Cách đây vài hôm, SHB cũng điều chỉnh lãi suất cao nhất của ngân hàng lên mức 8,2%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng được đẩy từ 7% lên đến 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm.
Một ngân hàng khác là OCB cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12/8 với lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng. So với biểu lãi suất trước đó, tỷ lệ này đã tăng 0,3 điểm %.
Đáng lưu ý, không chỉ có các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tham gia rầm rộ trong cuộc đua lãi suất mà cả các "ông lớn" nhà nước cũng không thể ngồi yên. Mới đây cả BIDV và VietinBank đều niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm % so với trước đó.
Việc tăng lãi suất được lãnh đạo các ngân hàng đưa ra cùng một nguyên nhân đó là hút khách gửi tiền và gia tăng nguồn lực vốn trung và dài hạn.
Cụ thể theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, việc điều chỉnh lãi suất là nhằm thu hút khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để gia tăng nguồn lực nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm.
Còn ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank thì cho biết, việc tăng lãi suất lần này là nỗ lực của ngân hàng nhằm tạo những cơ hội gia tăng lợi ích tài chính cho khách hàng có nhu cầu tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, ABBank cũng mong muốn thu hút, bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Giới chuyên gia thì đánh giá, trong bối cảnh thị trường có ngày càng nhiều kênh đầu tư hấp dẫn thì tiền gửi cũng trở nên cạnh tranh hơn, và việc cạnh tranh dễ nhất đó là đẩy cao lãi suất để hút vốn nhàn rỗi, bên cạnh việc đem đến sự an toàn và ổn định cho người gửi tiền.
Có ý kiến quan ngại rằng lãi suất tăng thường đi đôi với vấn đề thanh khoản căng thẳng, tuy nhiên diễn biến hiện nay của thị trường và các giao dịch liên ngân hàng với lãi suất ổn định quanh mức 3%, các chuyên gia phân tích cho rằng không phải vấn đề ở thanh khoản xấu mà là chủ yếu bởi bản thân các ngân hàng đang chuẩn bị nguồn lực cho mùa kinh doanh cuối năm mà thôi.