Siêu ứng dụng… “đốt” tiền
Vừa mới đây dịp Giáng sinh năm 2018 và năm mới 2019, một loạt các ứng dụng như Grab, Ahamove, Now, Lala… đã tung ra chiến dịch giảm giá hoặc tặng mã khuyến mãi cho khách đặt cuốc xe, giao hàng, đặt đồ ăn… Còn nhớ trong vụ Vinasun kiện Grab, một trong những nội dung được hãng taxi truyền thống cáo buộc chính là việc Grab khuyến mãi vượt mức qui định.
Từ thời điểm tháng 4.2018 trở về trước, khi Grab và Uber cùng chiếm lĩnh thị trường dịch vụ đặt xe, hai ứng dụng này cũng chính là hai start-up “đốt” tiền nhiều nhất. Theo Bộ Tài chính, trong 3 năm đầu hoạt động tại Việt nam Grab đã lỗ hơn 938 tỉ đồng. Còn tính đến hết năm 2018, số lỗ của Grab được cho rằng hơn 1.700 tỉ đồng.
Uber thời còn hoạt động tại Việt Nam những năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 có tổng doanh thu hơn 2.700 tỉ đồng nhưng vẫn báo lỗ. Số lỗ đó được cho rằng đổ vào khuyến mãi, giảm giá...
Cho tới thời điểm này, chưa có siêu ứng dụng nào tại Việt Nam công bố đã có lãi. Ngược lại, mạch lỗ vẫn còn tiếp tục chưa thể chắc được đến bao giờ mới chấm dứt, vì các chiến dịch “đốt” tiền vào giảm giá, khuyến mãi, tặng thưởng cho đối tác… nhằm chiếm lĩnh người dùng vẫn đang tiếp tục.
Và tiền mới là số 1 để cạnh tranh
Mới đây, 1 trong 7 ứng dụng trong thị trường giao đồ ăn trực tuyến là Lala đã phải rút khỏi mảng này để tập trung vào lĩnh vực chuyên cung cấp giải pháp bán hàng online. Còn nhìn rộng ra hơn, Việt Nam hiện có cả chục ứng dụng đặt xe, nhưng rất nhiều trong số này chỉ là cho có, hoặc hoạt động cầm chừng không hiệu quả, bởi nếu bung tiền ra “đốt” khuyến mãi thì sẽ đụng ngay với Grab, Go-Viet...
Một tờ báo đã dẫn lời ông Trường Bomi – CEO của Lala – cho rằng “cuộc chiến” siêu ứng dụng chỉ dành cho những “ông lớn” có lắm tiền chứ các doanh nghiệp nhỏ khó có thể theo đuổi nổi. Khi CEO của một doanh nghiệp phải thốt lên rằng “công nghệ tốt chỉ là yếu tố thứ hai” thì rõ ràng là quá cay đắng khi doanh nghiệp cho dù có công nghệ tốt mà không đủ nguồn lực tài chính thì cũng không thể theo đuổi công cuộc kinh doanh tới cùng.
Chẳng riêng gì những ứng dụng nhỏ như Lala, Ahamove hay VATO… mà ngay cả Zalo – một siêu ứng dụng có lượng người dùng ngang ngửa với Grab và Go-Jek, cũng đang phải rất “rón rén” trong cuộc đua siêu ứng dụng không cân sức về tiền nong tại thị trường Việt Nam. Có thể Zalo đang tìm con đường riêng không cạnh tranh bằng thế mạnh “đốt” tiền. Nhưng nói thì dễ chứ để thực sự tìm ra được một con đường như vậy là rất khó, thậm chí không khả thi.
ZaloFood được thử nghiệm đang... chìm nghỉm.
Nhìn khắp một lượt, những ứng dụng có nhiều tự tin cạnh tranh trên thị trường hiện nay không ít thì nhiều cũng có chỗ dựa tài chính vững chắc như Grab, Go-Viet (có Go-Jek hậu thuẫn), Now (được Cty SEA tại Singapore mua lại, Cty này có vốn góp của “ông lớn” Internet số 1 Trung Quốc là Tencent có vốn hóa hàng trăm tỉ USD).
Thậm chí như Grab, dù giá trị doanh nghiệp đã lên đến cả chục tỉ USD nhưng các khoản đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD đang liên tục được huy động thành công trong thời gian gần đây càng tạo ra cách biệt xa với các ứng dụng nhỏ lưng vốn hiện chỉ có vài triệu USD tại thị trường Việt Nam hiện nay.