Đối với giáo sư Carlos Sandoval, một trong những nhà phân tích văn học hàng đầu Venezuela và là giảng viên tại 2 trường đại học danh giá nhất nước, cuộc sống chưa bao giờ đáng sợ hơn hiện tại khi ông không thể mua sách đọc.
Nói cho chính xác hơn, hiện nay đến những nhu yếu phẩm hàng ngày cũng là vấn đề khó khăn với người dân Venezuela chứ chưa nói gì đến sách.
“Đây là sự hi sinh tồi tệ nhất với bản thân tôi khi là một nhà văn”, ông Sandoval nói.
Quốc gia hơn 30 triệu người dân tại Nam Mỹ này đang chìm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tỷ lệ lạm phát tại Venezuela đã tăng phi mã hơn 800% tính đến tháng 10/2017 và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), con số này sẽ vượt 2.300% vào năm tới.
Tình hình tại Venezuela tồi tệ đến mức giá đỗ xe tại đây thay đổi mỗi 2 tiếng đồng hồ do lạm phát, trong khi các mặt hàng như băng vệ sinh, bao cao su trở thành đồ xa xỉ. Kéo theo đó là tình trạng tan vỡ của hệ thống y tế, dịch vụ công, sự thiếu thốn lương thực và tình trạng tội phạm gia tăng trên toàn xã hội. Khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Venezuela bị hạn chế nghiêm trọng do mức lương không tăng kịp tốc độ lạm phát.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chính phủ không kịp in tiền cho người dân. Mỗi ngày, nhiều hàng người Venezuela xếp hàng trước các máy rút tiền tự động để tiêu hết tiền có thể trong ngày bởi họ biết rằng chúng sẽ mất giá vào ngày mai. Hệ quả là lạm phát tiếp tục tăng do tiền mặt thừa cung, còn người dân thì tích cực tiêu sạch tiền do lo ngại lạm phát tiếp tục đi lên.
Đối với những hộ dân nghèo ở Venezuela, việc mưu sinh hàng ngày đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi thực phẩm, thuốc men khan hiếm.
“Những điều thường ngày của cuộc sống như rút tiền trong ngân hàng, mua 1 tách cà phê hay gọi taxi cũng đã trở thành cả một chiến trường vật lộn ở Venezuela”, Giáo sư Sandoval than thở.
Một vài người thậm chí đã so sánh Venezuela hiện nay với thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình chưa quá mức bi đát như vậy. Nếu nhìn vào thủ đô Caracas, du khách chắc chắn sẽ không nhận thấy nhiều điều bất thường bởi đường phố vẫn đông đúc, các cửa hàng vẫn mở và mọi người vẫn đi làm. Điều khác chăng là giờ đây người dân Venezuela phải cố gắng nhiều hơn để mưu sinh qua từng ngày.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đã dừng công bố các số liệu kinh tế từ rất lâu nhưng Đảng đối lập cho biết tỷ lệ lạm phát tại Venezuela hiện đạt 45,5% trong tháng 10/2017 và 36,3% trong tháng trước đó.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết nhiều món hàng hóa và dịch vụ đã tăng giá tới hơn 50% qua từng tháng, qua đó khiến ngày càng nhiều người dân sống trong cảnh thiếu hụt nhu yếu phẩm.
Câu chuyện của những người nghèo
Trong gần 20 năm qua, y tá Beatriz, 53 tuổi sống một cuộc sống tạm ổn khi bà có công việc mình ưa thích và đủ để chu cấp cho 5 đứa con trong nhà. Tuy nhiên vài năm trước, bà Beatriz đã bị cho thôi việc do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Giờ đây, vị nữ y tá 53 tuổi này làm công nhân dọn vệ sinh cho một văn phòng ở Caracas với mức lương tương đương, nhưng chúng chẳng đủ để trang trải cuộc sống do lạm phát tăng cao. Thậm chí lương thực cũng trở thành một vấn đề với bà Beatriz.
Cũng như nhiều hộ gia đình nghèo khác hiện nay, nhà bà Beatriz chỉ có 1 bữa ăn tối trong ngày với chút gạo hoặc mì ống.
Gia đình nhà bà Beatriz
“Chúng tôi phải chọn lựa giữa thuốc men hoặc thực phẩm… Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây lại là sự thật. Vấn đề hiện nay không phải là chúng tôi muốn sống ra sao mà là làm thế nào để tồn tại”, bà Beatriz thừa nhận.
Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy khoảng 80% số người Venezuela đang phải sống trong cảnh nghèo đói vì thiếu nhu yếu phẩm. Trong khi đó báo cáo của Trung tâm phân tích và nghiên cứu lao động (ADCW) cho thấy tỷ lệ lạm phát 48% với giá của rổ lương thực dành cho gia đình 4 người trong tháng 10/2017.
Người dân xếp hàng tại khu cửa hàng được cho là mới nhập khẩu 1 container bột ngô theo lời đồn.
Ông David, một thợ cắt tóc 42 tuổi cũng lâm vào tình trạng tương tự khi phải xếp hàng trước 5h sáng và đợi 2 tiếng rưỡi chỉ để mua những vật dụng thiết yếu như một bình ga nhỏ cho nấu nướng. Tuy nhiên có những ngày ông chẳng thể mua nổi gì khi hàng đã hết.
Khi nói chuyện với tờ New York Times, ông David dường như khá bình tĩnh khi chẳng nổi nóng tẹo nào, có chăng chỉ là sự mệt mỏi.
“Đứng xếp hàng như vậy khiến tâm trí bạn bị mài mòn, lu mờ sự suy nghĩ cũng như tính sáng tạo của bản thân”, ông David thú nhận.
Tính đến ngày 1/12/2017, đồng Bolivar của Venezuela được giao dịch với mức 103.024 Bs/USD ngoài thị trường chợ đen, tăng 100% so với tháng trước đó và cao hơn gấp 33 lần so với hồi đầu năm.
Dưới sự quản lý chặt chẽ của chính phủ, người dân và các doanh nghiệp đang ngày càng gặp khó để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu, qua đó thúc đẩy thị trường chợ đen.
Trớ trêu thay, chính sự mất cân bằng trong hệ thống tài chính đã thúc đẩy mảng thanh toán điện tử, thẻ tín dụng và chuyển khoản bởi chúng thuận tiện không mất thời gian.
Quay trở lại câu chuyện của Giáo sư Sandoval, vợ ông muốn di cư đến Tây Ban Nha nhưng ông từ chối vì không muốn rời xa quê hương.
“Tôi muốn qua đời trong thanh thản… Tuy nhiên tình hình hiện nay sẽ phải thay đổi vào lúc nào đó. Tôi không biết là khi nào, nhưng sẽ có lúc mọi thứ phải thay đổi”, Giáo sư Sandoval nói.