Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus vừa qua đã công bố báo cáo chuyên sâu về tình hình phát triển thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 so với các năm 2016 – 2017.
Nghiên cứu được thực hiện thường niên với mẫu khảo sát hơn 1.000 người, độ tuổi từ 18 – 39, tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Sự thâm nhập của thương mại điện tử, tính đến nay đã đạt đến 80%, theo báo cáo.
Nguồn: Q&Me, thuộc Asia Plus
Theo đánh giá của công ty này, Shopee – sàn thương mại điện tử được rót vốn từ công ty mẹ SEA, đã đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong năm 2018. Shopee chính thức vượt qua Lazada trở thành tên tuổi phổ biến nhất đối với người mua hàng trực tuyến, Asia Plus đánh giá.
Thứ tự bộ ba "ông lớn" trong làng thương mại điện tử hiện này lần lượt là: Shopee, Lazada và Tiki. Công ty nghiên cứu này nói rằng sự kiện này không phải bất ngờ, thay vào đó, đã được dự đoán từ trước với sự phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp này trong năm trước đó.
Nguồn: Q&Me, thuộc Asia Plus
Nghiên cứu chỉ ra rằng Shopee là trang thương mại điện tử được người dùng nhớ đến nhiều nhất khi mua sắm cho các hạng mục: thời trang, làm đẹp và thực phẩm.
Riêng lĩnh vực công nghệ/điện máy, dẫn đầu là Thế Giới Di Động, tiếp đến là Tiki.
Dù vậy, về mức độ hài lòng của khách hàng, Tiki lại cao hơn hẳn Shopee và Lazada. Cụ thể, 46% khách mua hàng Tiki hài lòng về dịch vụ trong khi chỉ có con số này của Shopee chỉ là 22% còn Lazada là 24%.
Ba sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay đang nhắm tới các tập khách hàng với những sự khác biệt nhất định. Shopee có nhiều khách hàng nữ hơn khách nam, Lazada ngược lại khách hàng nam nhiều hơn khách hàng nữ còn Tiki thì khá cân bằng giữa hai nhóm. Shopee và Tiki có tập khách hàng trẻ trong khi tập khách hàng của Lazada hơi nhỉnh hơn một chút về độ tuổi.
Shopee gia nhập thị trường Việt Nam chưa đến 2 năm nhưng đang rất chịu "tiêu tiền" để thu hẹp khoảng cách. Sàn thương mại này ra mắt chính thức vào tháng 8/2016 và đã lỗ ngay trong năm này 164 tỷ đồng. Sang năm 2017, mức lỗ này đã lên đến 600 tỷ đồng. Trong khi đó, Tiki tính đến cuối năm 2017 lỗ luỹ kế mới đạt mức này.
Đối với Lazada, doanh nghiệp này đang chịu lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Nhiều khả năng mức lỗ của năm 2017 cũng gần 400 tỷ, dẫn đến lỗ lũy kế cuối năm 2017 có thể lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.
Để tham chiến trên thị trường thương mại Việt Nam, được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng vô cùng khốc liệt, Shopee được Tập đoàn SEA bơm vốn rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SEA đã tăng them hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam.